Để tạo nguồn lực lớn hơn cho quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng, nhiều chuyên gia đã đề xuất nên tăng kinh phí các gói hỗ trợ.

 
Minh Đức Thứ Hai | 18/10/2021 07:30

Thêm tiền cho phục hồi

Cần ngay nguồn tài chính lớn hơn nữa để thúc đẩy các giải pháp phục hồi kinh tế.

Tạm thời kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam đang bắt đầu kế hoạch phục hồi kinh tế nhằm không lỡ đà phục hồi chung của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, do tiềm lực hạn chế, Việt Nam không thể theo đuổi chính sách phục hồi kinh tế vĩ mô theo cách của các nước lớn trên thế giới.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kinh phí cho các gói hỗ trợ đã và đang được chuẩn bị năm 2021 là khoảng 10 tỉ USD, tương đương hơn 2% GDP. Có thể thấy, quy mô gói hỗ trợ như vậy là nhỏ và chưa đủ để tạo ra sức bật giúp nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. “Điều đó cho thấy phải hà hơi tiếp sức ngay để có sức bật. Không có vốn, không có lao động rất khó bật trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, nhận định.

Để tạo nguồn lực lớn hơn cho quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng, nhiều chuyên gia đã đề xuất nên tăng kinh phí các gói hỗ trợ. Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đề xuất nên tăng nợ công thêm khoảng 6,5% GDP (bằng 2/3 mức tăng của Malaysia (9,8%) và bằng 51% mức tăng bình quân của 4 nước ASEAN), tương đương 22 tỉ USD. Số tiền này tăng cường nguồn hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua suy thoái kinh tế chưa từng có ở Việt Nam từ  năm 1995 đến nay.

 

Vấn đề là tiền đâu cho khoản chi lớn này? Bởi vì, Quốc hội không có chủ trương sử dụng nợ công để chi khắc phục hậu quả của dịch COVID-19 năm 2020 và 2021. Trong khi đó, rủi ro nợ xấu vẫn đang ám ảnh hệ thống ngân hàng. Chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi thường xuyên tối thiểu 10%, đặc biệt là các chi phí chưa thực sự cần thiết như hội thảo, hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước, cũng chưa thể tạo nguồn tiền lớn.

Theo đề xuất của Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, về nguồn vay nợ công 510.000 tỉ đồng (22 tỉ USD), phương thức dễ làm và an toàn hiện nay là Chính phủ phát hành trái phiếu có kỳ hạn và Ngân hàng Nhà nước mua, trên cơ sở dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là 100 tỉ USD. “Theo kinh nghiệm của 20 nước ở 4 châu lục, tình huống này đòi hỏi giải pháp chưa từng có: tăng nợ công đủ lớn, sử dụng nợ công như nguồn lực tài chính công chủ yếu để khắc phục nhanh hậu quả của dịch COVID-19 và phục hồi tăng trưởng kinh tế”, ông đề xuất.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, Việt Nam hiện mới chi ra khoảng trên dưới 2% GDP cho gói hỗ trợ và hoàn toàn có dư địa tăng gấp đôi. Con số này có thể chấp nhận được vì chúng ta đang có nợ công tương đối thấp so với GDP. Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, các nước tung ra các gói hỗ trợ chưa từng có, bình quân thế giới khoảng 16% GDP, hiện những nước đang phát triển như Việt Nam là 7,7% GDP. Trong đó, tài khóa luôn là chủ yếu, chiếm khoảng 50-60%, tiền tệ chiếm xấp xỉ 30-40%. 

 

Một số nước chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng, vì họ tư duy có tiền phải tiêu để cứu nền kinh tế. Và để có các khoản hỗ trợ kinh tế khổng lồ, chính phủ các nước cũng phải vay, vay từ dân, vay từ ngân hàng trung ương... “Tuy nhiên, những chương trình hỗ trợ này không phải thực thi một cách bừa bãi mà đi kèm với lộ trình và sự kiểm soát rất chặt chẽ”, ông Lực nói.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cũng đề xuất, giai đoạn này, Chính phủ cần xem xét đẩy mạnh chi hơn nữa. Bởi vì, dư địa chính sách vẫn còn và tốt hơn nhiều so với trước đây, thể hiện qua lạm phát thấp và ổn định, hệ thống tài chính tuy còn rủi ro nhưng vững và ngày càng phát triển theo hướng tích cực. Cùng với đó, bội chi ngân sách và nợ công vẫn trong ngưỡng cho phép, cán cân đối ngoại tốt hơn, dự trữ ngoại tệ cao gấp 4-5 lần so với 10 năm trước. “Về tiền tệ, ngoài lãi suất, nên tập trung mở cung tiền, tăng tín dụng nhiều hơn và có những gói tín dụng đặc biệt”, ông Cung đề xuất.

Việt Nam cũng có thể tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi (không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp) từ các tổ chức quốc tế với mục tiêu phòng, chống và khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai. Thậm chí, Việt Nam chưa cần phải vay của nước ngoài vì lãi suất trái phiếu trong nước cực kỳ thấp. Hiện rất nhiều tổ chức tài chính thừa tiền mặt nên sẵn sàng mua trái phiếu trong nước. Biện pháp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ nên được sử dụng ở mức vừa phải để đảm bảo khu vực tư nhân có thể tiếp cận vốn dễ dàng, đặc biệt là giai đoạn sau bệnh dịch.

Bên cạnh đó, trong thời điểm đầu tư công giải ngân khó, có thể chuyển phần đầu tư công chưa giải ngân được qua cho các khoản vay/hỗ trợ này. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, chỉ cần hoán đổi một phần quỹ dự trữ ngoại tệ 107 tỉ USD cũng có thể tạo ra nguồn lực rất lớn. Có thêm nguồn lực tài chính này, doanh nghiệp Việt Nam, kể cả kinh tế hộ gia đình mới nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả như các nước khác đã làm.