Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già hóa. Ảnh: minh họa
Thêm sao cho viện dưỡng lão
Sức ép dân số già hóa
Quốc Hưng, 35 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM, nhiều năm qua vẫn trăn trở về việc tìm nơi chăm sóc chu đáo cho ba mẹ lớn tuổi của mình. Quốc Hưng đã nghĩ đến việc sẽ đến một viện dưỡng lão nào đó. Dù vậy anh sợ cái hôi hám ẩm mốc của những viện dưỡng lão cũ kỹ mà anh đã từng ghé qua.
Nhưng đó là những ám ảnh trước đây, vào thời kỳ mà Việt Nam chưa chú ý đến mô hình viện dưỡng lão. Còn hiện nay, nhiều viện dưỡng lão đã thành nơi chốn an dưỡng được đánh giá cao như Bình Mỹ, Ba Thương (Củ Chi), Vườn Lài, Nursing Home (quận 12), Nhơn Đức - Damoca (Nhà Bè), Minh Trần (quận Bình Tân), Tuyết Thái, Diên Hồng, ALH (Hà Nội)...
Ở những nơi này, cơ sở hạ tầng, phòng ốc đều khang trang sạch đẹp, có khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, có khuôn viên xanh mát, không khí trong lành. Người già sống ở đây sẽ được chăm sóc chu đáo về bữa ăn giấc ngủ và sức khỏe, đời sống tinh thần.
Thực tế, mô hình viện dưỡng lão cao cấp mà Việt Nam đang phát triển đều học theo các nước. Chẳng hạn ở Nhật, viện dưỡng lão được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, với đội ngũ điều dưỡng chuyên nghiệp.
Người lớn tuổi được sống trong không gian yên tĩnh, ở trong những ngôi nhà nhỏ riêng tư, nấu ăn và dùng bữa cùng nhau như gia đình. Họ cũng có nhiều hoạt động ngoại khóa như chơi đàn, trồng hoa... Hay ở Trung Quốc, các mô hình như Trung tâm Cộng đồng Người cao tuổi Lujiazui (Thượng Hải) còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc chăm sóc sức khỏe người già.
Mô hình đầu tư này muốn đưa vào Việt Nam đòi hỏi tốn kém và kiên nhẫn. Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Bách niên Thiên Đức, từng tâm sự, thời điểm mới thành lập (năm 2001), Trung tâm Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Từ Liêm, tiền thân của Bách niên Thiên Đức, từng ế ẩm suốt 3 năm, tưởng chừng phá sản. Nhờ không chán nản đầu hàng, Trung tâm mới trụ được và đến nay phát triển thành 5 cơ sở khắp cả nước, chăm sóc hơn 300 người cao tuổi.
Ông Tuấn Ngọc cho biết ông quyết tâm với lĩnh vực này vì nhìn thấy tiềm năng thị trường. Dân số nhiều nước châu Á đang ngày càng già hóa. Tại Trung Quốc, nếu năm 2019 có hơn 253 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 18% dân số thì ở Việt Nam, con số này cũng chiếm gần 12% dân số, với tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNFPA). Trong tương lai, tỉ lệ người cao tuổi sẽ còn tăng cao và theo UNFPA, đến năm 2050 Việt Nam sẽ có dân số già ngang với các nước như Nhật và Hàn Quốc.
Rõ ràng, trước sức ép dân số già, không chỉ nhu cầu viện dưỡng lão tăng mà mọi nhu cầu phục vụ, hỗ trợ cho người già dự báo cũng sẽ tăng cao. Những gì xảy ra ở Trung Quốc hoàn toàn có thể lặp lại tại Việt Nam. Theo Viện Nghiên cứu công nghiệp Qianzhan, ngành công nghiệp chăm sóc người già ngày càng phình to, từ mức 7.700 tỉ nhân dân tệ vào năm 2020 ước tăng lên 22.300 tỉ nhân dân tệ vào năm 2030.
Trong cuộc sống hiện đại, con cái còn phải tất bật kiếm sống nên thiếu thời gian, thiếu sức khỏe và cũng thiếu các kỹ năng cần thiết để chăm sóc người già. Trong khi những người già cũng chưa chuẩn bị tâm lý để “ra ngoài” sống trong các viện dưỡng lão. Lúc này, với nhiều gia đình, việc chăm sóc cha mẹ lúc xế chiều bỗng trở nên nặng nề cho cả hai phía. Đây cũng là lý do khiến nhiều mô hình viện dưỡng lão trước đây phải sớm đóng cửa vì không giải được bài toán tâm lý xã hội.
Tìm mô hình chuẩn
Ngay cả ở Mỹ, dù mô hình viện dưỡng lão đã rất phát triển nhưng vẫn có chỗ chưa ổn thỏa. Ở Trung tâm Người cao tuổi Davis, người cao tuổi chỉ đến đó sinh hoạt, tham gia các hoạt động như chơi bingo, tập thể dục, tập thái cực quyền, múa hula truyền thống... Chiều đến, họ đi xe buýt trở về nhà. Và Mỹ cũng đã tổ chức viện dưỡng lão theo hướng chăm sóc y tế sức khỏe chuyên biệt cho người già, với các trung tâm chăm sóc những người bệnh nặng như tai biến, hôn mê, hoặc trung tâm chăm sóc những người bị lú lẫn nặng.
Ở Việt Nam, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, ngoài yếu tố tâm lý xã hội, vấn đề tài chính cũng gây trở ngại khiến viện dưỡng lão chưa phổ biến. Cả nước có khoảng 102 cơ sở có phân khu chăm sóc người cao tuổi. Trong đó, chỉ khoảng 32 cơ sở/viện dưỡng lão chuyên nghiệp, phần lớn thuộc về tư nhân. Mức chi phí ở viện dưỡng lão dù chỉ bằng 1/3 của Mỹ, tức khoảng 300 USD/người/tháng (gần 7 triệu đồng) nhưng cũng là quá sức với nhiều người. Theo báo cáo của Bộ Y tế, phần lớn người già ở Việt Nam vẫn phải tự mưu sinh và sống phụ thuộc vào con cháu; chỉ hơn 25% trong số họ có lương hưu hay trợ cấp.
Đây có lẽ là nguyên nhân khiến không ít viện dưỡng lão ở Việt Nam âm thầm ra đời và cũng âm thầm đóng cửa. Tuy nhiên, đứng trước các cơ hội từ dân số già, nhất là khi người dân nhìn về viện dưỡng lão đã cởi mở hơn và một bộ phận người già sẵn sàng trả tiền để được vào viện dưỡng lão cao cấp, thì những mô hình viện dưỡng lão nghỉ dưỡng như Bình Mỹ, Ba Thương vẫn hấp dẫn nhà đầu tư.
Tháng 1 vừa qua, Công ty Tổ hợp Y tế Phương Đông đã quyết định đầu tư dự án viện dưỡng lão trị giá hơn 700 tỉ đồng. Bên cạnh các dịch vụ chăm sóc nội trú, bán trú, Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Phương Đông còn đầu tư các dịch vụ như tắm onsen trong và ngoài trời, xoa bóp, bấm huyệt, thư giãn, phục hồi chức năng, bể bơi trong nhà, khu tâm linh... Đây là dự án được đánh giá là thiết thực gần gũi với nhu cầu của xã hội và các gia đình với tâm niệm người cao tuổi sẽ được chăm sóc tốt nhất, tiện nghi nhất tại đây, dù xa con cháu.