Thêm nhiều công ty chứng khoán sẽ bị “xóa tên”
Không thể phủ nhận rằng, sau hơn 2 năm triển khai, tính đến giữa năm nay, Đề án Tái cấu trúc CTCK, do Bộ Tài chính phê duyệt, đã mang lại kết quả cụ thể. Điều này thể hiện qua vài con số: UBCK đặt 9 CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt; chấm dứt hoạt động 3 CTCK để thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động; đình chỉ hoạt động 2 CTCK, chấp thuận giải thể 3 CTCK, thu hồi giấy phép của 2 CTCK… Số lượng các CTCK hoạt động môi giới bình thường còn 84 công ty.
Nhưng như vậy là chưa đủ nếu so với kỳ vọng của chính cơ quan quản lý lẫn thị trường. Nhìn vào hiện trạng hoạt động của khối CTCK hiện tại, có thể thấy, số lượng các CTCK ngấp nghé bị "xóa tên" không ít. Nhiều con số gợi lên điều này. Hết quý I/2014, theo số liệu được UBCK công bố, có 55/90 CTCK hoạt động bị lỗ lũy kế, 30 CTCK nắm tới khoảng 95% thị phần môi giới...
Nhiều CTCK hoạt động eo uột như vậy, song số lượng chủ động xin rút giấy phép, xóa tên còn rất khiêm tốn. Vấn đề đặt ra là, cơ quan quản lý có nên trông chờ vào sự tự giác rút lui của CTCK, khi một trong những mục đích quan trọng đã được đề cập trong Đề án tái cấu trúc CTCK là thu hẹp số lượng?
Nâng chuẩn để tăng đào thải
Để rút ngắn thời gian từ khi "chết lâm sàng" đến chính thức xóa sổ CTCK, cũng như thúc đẩy tiến độ xóa tên CTCK khi bản thân các ông chủ muốn rút lui khỏi thị trường, Phó Chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long cho biết, UBCK đang lên phương án sửa đổi một số quy định pháp lý theo hướng tiếp tục nâng cao các chuẩn về hoạt động của CTCK so với hiện tại nhằm đạt được hai mục tiêu lớn.
Thứ nhất, định hình hoạt động của các CTCK tập trung hơn vào các hoạt động lõi theo thông lệ quốc tế là: nghiệp vụ môi giới và các dịch vụ phụ trợ (tư vấn đầu tư chứng khoán, cho vay margin, quản lý tài khoản); nghiệp vụ ngân hàng đầu tư (tư vấn tài chính DN, tư vấn tái cơ cấu DN, bảo lãnh phát hành, tự doanh và tạo lập thị trường). Trong bối cảnh thúc đẩy tái cấu trúc DNNN, mà trọng tâm là cổ phần hóa, cũng như các hoạt động nhằm thiết lập thị trường mua - bán nợ xấu, hỗ trợ quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, vai trò cũng như các hoạt động ngân hàng đầu tư của CTCK cần được tính tới, để làm sao vừa mở rộng không gian phát triển cho các CTCK, vừa đưa TTCK trở thành một công cụ hữu hiệu hỗ trợ tích cực hơn cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.
Thứ hai, thúc đẩy nhanh hơn quá trình tái cấu trúc các CTCK, trong đó tập trung khuyến khích việc hợp nhất, sáp nhập các CTCK. Đây được coi là các giải pháp chủ đạo để làm sạch bảng cân đối kế toán cho các CTCK, giúp họ sau hợp nhất, sáp nhập, mở rộng được không gian phát triển, đặc biệt là tiếp cận các hoạt động, dịch vụ mới phù hợp với thông lệ quốc tế. Để đạt được các mục tiêu này, UBCK đang nghiên cứu xem xét áp dụng bổ sung quy định về mức độ đủ vốn, minh bạch hóa các hoạt động quản lý tài chính của các công ty như: huy động vốn, sử dụng vốn, kiểm soát các khoản phải thu, phải trả..., qua đó hạn chế hoạt động của các công ty nếu không duy trì mức độ đủ vốn và không minh bạch tình hình tài chính.
Bên cạnh các giải pháp mang tính trực diện trên, một số động thái chính sách mới được nhìn nhận cũng sẽ giúp thúc đẩy quá trình tái cơ cấu khối CTCK. Đơn cử mới đây, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, cho biết, dự kiến trong tháng 7 này, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn về cơ chế quản lý tài chính đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán. Trong đó, việc lần đầu tiên Bộ Tài chính quy định chi tiết nguyên tắc trích lập dự phòng giảm giá các loại chứng khoán, trong đó có cả chứng khoán chưa lên sàn (OTC)…, sẽ phản ánh chuẩn xác hơn sức khỏe tài chính của các CTCK.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán