Thứ Hai | 07/01/2013 08:21

Thêm gần 1 triệu lao động trong các ngành dịch vụ

Cơ cấu lao động theo nhóm ngành 2012 có chuyển dịch tích cực, tỷ trọng lao động ngành dịch vụ tăng từ 30,3% lên 31,4%, số lao động tăng 974 nghìn người.
Dân số Việt Nam năm 2012 ước đạt 88,78 triệu người với tốc độ tăng dân số ở mức 1,06%, chỉ cao hơn một chút so với con số tương ứng của một vài năm trước và vẫn nằm trong tốc độ tăng thấp dưới 1,1% đạt được từ năm 2007 đến nay. Tỷ lệ dân số thành thị đạt 32,45%, tuy còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (trên 42%), ở châu Á (trên 44%) và trên thế giới (trên 51%), nhưng đã cao hơn năm 2011 (31,75%).

Số lao động đang làm việc tiếp tục tăng với tốc độ khá cao (2,7%), chứng tỏ nỗ lực tìm việc làm của người lao động, sự cố gắng giữ chân người lao động của các cơ sở sản xuất kinh doanh, sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước.

Cơ cấu lao động theo loại hình kinh tế có sự chuyển dịch nhẹ. Lao động trong khu vực nhà nước chiếm 10,4% (số lao động vẫn tăng khoảng 125 nghìn người); lao động khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tỷ trọng giảm nhẹ từ 3,4% xuống 3,3% (nhưng số lao động vẫn tăng khoảng 5,1 nghìn người); lao động khu vực ngoài nhà nước tỷ trọng tăng từ 86,2% lên 86,3% (số lao động tăng trên 1,2 triệu người). Điều đó chứng tỏ khu vực này vẫn thu hút nhiều lao động và vẫn là nơi giải quyết chủ yếu với nhiều lao động tăng thêm.

Trong khi đó, cơ cấu lao động theo nhóm ngành tiếp tục chuyển dịch. Tỷ trọng lao động trong nhóm ngành nông, lâm, thủy sản giảm từ 48,4% xuống còn 47,5% (nhưng vẫn tăng 182,4 nghìn người), nhóm ngành công nghiệp- xây dựng giảm từ 21,3% xuống còn 21,1% (nhưng vẫn tăng 181,6 nghìn người), nhóm ngành dịch vụ tăng từ 30,3% lên 31,4% (số lao động tăng 974 nghìn người).

Như vậy, nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất và nhóm ngành dịch vụ tỷ trọng đã tăng lên và đã thu hút được nhiều hơn số lao động tăng thêm. Đây là sự chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành của nền kinh tế.

Một điểm đáng lưu ý, xuất khẩu lao động mặc dù gặp nhiều khó khăn do tăng trưởng kinh tế của nhiều nước đối tác chậm lại, nhưng vẫn tiếp tục được thực hiện. Theo tính toán sơ bộ, với hơn 400 nghìn lao động đang làm việc ở nước ngoài, hàng năm đã gửi về Việt Nam khoảng 1,8 tỷ USD, bình quân đạt 4,5 nghìn USD/người, tương đương với trên 90 triệu đồng.

Điểm “nghẽn” lớn hiện nay là trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ lao động. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo còn bất hợp lý. Việc đào tạo chưa hợp lý giữa các ngành nghề, giữa lý thuyết và thực hành. Việc phân bổ và sử dụng còn chưa hợp lý… Trong khi đó, năng suất lao động còn thấp do quy mô GDP còn nhỏ, cơ cấu lao động hiện vẫn còn gần một nửa số lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp- thuỷ sản…

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện