Thứ Hai | 16/12/2013 11:22

Thêm cơ hội vay vốn ngoại

NHNN đã ban hành Dự thảo Thông tư quy định điều kiện vay nước ngoài của DN không được Chính phủ bảo lãnh, trong đó có một số điểm gỡ khó cho DN FDI. Theo đó, Dự thảo bổ sung thêm quy định cho phép vay trung, dài hạn nước ngoài phục vụ dự án mà DN tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp.

Phần lớn các DN FDI hoạt động tại Việt Nam khi có nhu cầu đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh đều vay vốn trực tiếp từ công ty mẹ hoặc thông qua các ngân hàng có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam. Việc làm này đã theo thông lệ từ lâu, bởi lãi suất vay ngoại tệ tại ngân hàng ngoại thấp hơn, hoặc do những điều khoản ràng buộc, đảm bảo giữa công ty mẹ và công ty con trong cùng tập đoàn đa quốc gia.



DN FDI có thêm dòng vốn mới

Tuy nhiên, theo ông Trần Tiến Phát, Giám đốc điều hành Công ty TNHH DataLogic Scanning Việt Nam (Khu Công nghệ cao, quận 9), trong trường hợp của một số DN FDI có nhu cầu đầu tư vào các dự án tham gia góp vốn tại Việt Nam, một số quy định về điều kiện vay chưa cho phép họ thực hiện điều này dễ dàng.

Cụ thể, như trường hợp một số DN tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP. Hồ Chí Minh), khi tìm thấy đối tác liên doanh phù hợp, công ty này có đề xuất vay phần vốn từ công ty mẹ để thực hiện kế hoạch nhưng lại vướng vào quy định vay nước ngoài chỉ được chấp thuận khi phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh của chính DN.

Để tháo gỡ vướng mắc này, NHNN đã ban hành Dự thảo Thông tư quy định điều kiện vay nước ngoài của DN không được Chính phủ bảo lãnh, trong đó có một số điểm gỡ khó cho DN FDI. Theo đó, Dự thảo bổ sung thêm quy định cho phép vay trung, dài hạn nước ngoài phục vụ dự án mà DN tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp. Theo một lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, quy định này được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của các công ty đang hoạt động tại Việt Nam khi có nhu cầu về vốn để mở rộng đầu tư, phát triển dự án kinh doanh cùng đối tác khác.

Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam cho rằng, hình thức cho vay cổ đông khá phổ biến ở nước ngoài. Mặc dù hiện tại, nhu cầu về vốn của Robert Bosch Việt Nam chỉ chủ yếu để đầu tư vào hoạt động sản xuất chính của công ty. Tuy nhiên, để phù hợp hơn với điều kiện giao lưu hội nhập kinh tế quốc tế thì việc nới lỏng các điều kiện, quy định về vay vốn, mục đích sử dụng vốn… cho các DN FDI hoạt động tại Việt Nam mang ý nghĩa rất lớn, góp phần giúp các DN tăng trưởng và phát triển ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nhưng để tránh tình trạng đi vay vượt quá khả năng chi trả, Dự thảo quy định của NHNN cũng đưa ra điều kiện ràng buộc cụ thể về giới hạn mức vay tương ứng với tỷ lệ góp vốn mà bên đi vay tham gia.

Theo ý kiến của các chuyên gia, mặc dù vấn đề vay vốn nước ngoài của các DN FDI là tự vay tự trả nhưng nếu không có sự ràng buộc về tỷ lệ đi vay rất dễ dẫn đến tình trạng một số DN tham gia góp vốn chủ yếu bằng phần vốn đi vay là chính, khi xảy ra vấn đề không có khả năng chi trả thì pháp nhân tại Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm. Đồng thời, điều này còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dòng vốn, thời gian giải ngân vốn FDI.

Ngoài ra, Dự thảo Thông tư cũng mở rộng thêm về đồng tiền vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam khi bên đi vay là tổ chức tài chính vi mô nhằm đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình có thu nhập thấp và DN nhỏ. Bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Giám đốc Quỹ trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm (CEP) tỏ rõ sự đồng tình. Bởi theo bà Vân, các khoản vốn của CEP tài trợ cho các chương trình đều đi vay từ các tổ chức quốc tế với nhiều khoản vay lên đến hàng triệu USD, nhưng nếu vay bằng ngoại tệ mức độ rủi ro về tỷ giá rất cao.

Hơn nữa, với tính chất đặc thù đối tượng vay vốn từ các tổ chức tài chính vi mô như CEP là người lao động nghèo, DN quy mô gia đình nên thông thường chỉ có nhu cầu vay vốn bằng tiền đồng là chủ yếu. Chính vì vậy, việc cho vay nước ngoài bằng đồng nội tệ có tính thực tế và hoàn toàn hợp lý với điều kiện khách quan.

Tuyết Anh

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện