Từ khi Grab bước chân vào Việt Nam thì doanh số của Vinasun và Mai Linh dần tụt dốc và thua lỗ. Ảnh: Quý Hòa
Thế trận taxi đảo chiều?
Cục diện của cuộc chiến trong ngành vận chuyển khách đang thay đổi khi các hãng taxi công nghệ ngừng “đốt tiền” sau nhiều năm thua lỗ. Taxi truyền thống đang tìm cách lấy lại vị thế.
Anh Trần Duy Quang, quận Bình Thạnh, TP.HCM, chấp nhận bán lỗ ô tô mới mua để trả nợ, chuyển sang chạy GrabBike và giao hàng. Năm 2018, thời điểm người người, nhà nhà đều chạy xe công nghệ, anh Quang đã vay ngân hàng và người thân 450 triệu đồng mua xe chạy GrabCar với thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng. Hiện tại, số người đi xe công nghệ giảm, hãng không hỗ trợ chi phí xăng tăng… dẫn đến nguồn thu giảm, trong khi anh Quang vẫn phải gồng mình trả nợ ngân hàng với lãi suất cao. “Trước đây, tôi chạy 1 triệu đồng/ngày, trừ chiết khấu, tiền xăng, tôi còn 500.000-600.000 đồng. Nhưng nay chỉ còn 300.000 đồng/ngày”.
Bên cạnh nhiều trường hợp như anh Quang thì không ít tài xế công nghệ đã bỏ nghề hoặc chuyển sang taxi truyền thống. "Vì chạy xe công nghệ chiết khấu hơn 30% là hết cả lời. Chạy taxi truyền thống chỉ đóng phí 6-7% trên doanh thu cho hãng", anh Quang giải thích.
Taxi công nghệ đánh mất vị thế
Những ưu đãi khủng trước đây của các hãng taxi công nghệ đã dần thu hẹp nên tài xế đang dần bỏ nghề hoặc trở về với taxi truyền thống. Thêm vào đó, biến động giá xăng dầu thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập và đời sống của tài xế. Theo đánh giá của Gojek, chi phí hoạt động của tài xế tăng trung bình 10-15% vì giá xăng tăng.
Đây là cơ hội lớn cho taxi truyền thống lấy lại vị thế trên thương trường. Câu chuyện kinh doanh của Grab và Vinasun là ví dụ điển hình cho tình cảnh hiện nay. Theo báo cáo tài chính chưa qua kiểm toán năm 2021, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Grab vượt 16 tỉ USD, tăng 29% so với con số 12,4 tỉ USD của năm trước đó. Năm 2021, doanh nghiệp này thu về khoảng 675 triệu USD, tăng 44% so với năm 2020.
Năm ngoái, Grab đã chi hơn 1 tỉ USD cho hoạt động ưu đãi, khuyến mãi tới khách hàng và 717 triệu USD cho tài xế. Con số này tăng lần lượt 73% và 15% so với năm trước. Gộp cùng các chi phí tài chính khác, ứng dụng này lỗ ròng khoảng 3,5 tỉ USD, cao hơn 30% so với năm 2020. Trong 3 mảng kinh doanh chính là giao hàng, di chuyển và dịch vụ tài chính, chỉ có lĩnh vực di chuyển của Grab phát sinh lợi nhuận.
Trong khi đó, Vinasun, ông vua taxi truyền thống một thời, đã chấm dứt chuỗi ngày thua lỗ suốt 8 quý liên tiếp. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, Vinasun đạt 164 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 26% so với cùng kỳ. Nhiều khoản chi phí đồng loạt giảm đã giúp Vinasun thu về 12,5 tỉ đồng lãi trước thuế trong quý I/2022 trong khi cùng kỳ năm ngoái Công ty lỗ hơn 29 tỉ đồng.
Không chỉ có tài xế công nghệ, nhiều người dùng cũng chuyển sang đi taxi truyền thống vì những bất tiện và chi phí đang ngày càng cao của taxi công nghệ. Chị Nguyễn Thị Minh Anh đặt 5 cuộc trên app Grab nhưng không được nên đành phải chuyển qua gọi bằng ứng dụng Be nhưng khi nhìn giá cước của Be, chị hốt hoảng vì quãng dường này thường vẫn đi Grab chỉ bằng nửa giá. Chị quyết định chuyển sang app gọi xe của Vinasun và thấy giá cước thấp hơn một chút so với Grab.
“Gọi taxi Vinasun hay Mai Linh giờ rất dễ. Nếu sợ giá cao thì có thể lên app của 2 hãng này đặt xe cũng giống như Grab, Be hay Gojek, app sẽ hiển thị giá cước và đường đi rõ ràng. Còn những người không có điện thoại thông minh thì gọi cho tổng đài cũng nhanh", chị Minh Anh chia sẻ.
Ảnh: Quý Hòa |
Để tồn tại đến thời điểm này, các hãng taxi truyền thống cũng phải thay đổi cách tính giá cước theo đồng hồ như trước.
“Khi mới hoạt động, các hãng xe công nghệ ra sức chăm sóc khách hàng với hàng loạt ưu đãi, cước giá rẻ, giảm giá, tặng thêm chuyến đi miễn phí. Đến khi chiếm lĩnh được thị trường thì họ quay lại áp đặt đủ thứ phí, tăng giá cước vô tội vạ, rồi bắt người tiêu dùng gánh chịu”, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hành khách liên tỉnh và Du lịch TP.HCM, chia sẻ.
Gần đây các hãng còn đưa ra nhiều loại phụ phí, nhất là Grab phụ thu thời tiết nắng nóng gay gắt đã gây bất bình cho người tiêu dùng. Do đó, việc nhiều người chọn chuyển sang sử dụng xe taxi truyền thống cũng là điều dễ hiểu.
Grab tìm đường lấy lại vốn?
Từ khi Grab bước chân vào Việt Nam thì doanh số của Vinasun và Mai Linh dần tụt dốc và thua lỗ. Thậm chí, Vinasun và Grab từng dắt nhau ra tòa vì tranh cãi giá cước cũng như đòi xem xét lại luật kinh doanh của Grab.
Tính đến năm 2021, mảng di chuyển của Grab hiện vẫn giữ vị trí đầu bảng với 71% thị phần, 51% thị phần lĩnh vực giao đồ ăn và 21% ở lĩnh vực ví điện tử. Mặc dù chiếm thị phần lớn nhưng từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến nay, Grab chưa bao giờ thoát lỗ. Tổng tài sản, nguồn vốn của GrabTaxi (tiền thân của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Grab). thời điểm mới xuất hiện chỉ khoảng 4,4 tỉ đồng. Trong năm 2014, doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty này đạt 1,5 tỉ đồng nhưng lỗ sau thuế gần 52 tỉ đồng.
Ảnh: Quý Hòa |
Sau khi mở rộng thị trường các tỉnh, Grab Việt Nam chứng kiến doanh số tăng qua từng năm, từ 32 tỉ đồng năm 2015 lên mức 188 tỉ đồng năm 2016 và 759 tỉ đồng năm 2017. Đến năm 2018 thương vụ thâu tóm Uber Đông Nam Á đã giúp doanh thu của Grab đạt 2.194 tỉ đồng trong cùng năm và 3.382 tỉ đồng năm sau đó. Mặc dù doanh thu tăng cao, nhưng lợi nhuận của Hãng giảm liên tục qua các năm, từ 2015-2019 lần lượt âm 442 tỉ đồng, 445 tỉ đồng, 789 tỉ đồng, 885 tỉ đồng, 1.670 tỉ đồng. Lỗ lũy kế tính đến năm 2019 khoảng 4.300 tỉ đồng.
Thay đổi để tồn tại
Trước nhiều áp lực mới và có lẽ đã qua thời startup non trẻ, sau giai đoạn đốt tiền, đã đến lúc các hãng công nghệ “lấy lại vốn”. Lúc này, cuộc chơi có vẻ đã “sòng phẳng” hơn giữa xe công nghệ và xe truyền thống.
Vào giữa tháng 5, Grab tuyên bố bắt đầu cắt giảm các ưu đãi dành cho tài xế đối tác trong nửa cuối năm nếu lực lượng này duy trì được sự ổn định. Trả lời báo giới, CEO Anthony Tan cho biết Grab sẽ tập trung đáp ứng các mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng bền vững. Theo đó, Hãng sẽ “quản lý chi phí có kỷ luật”, ứng dụng đặt mục tiêu hòa vốn mảng giao hàng dựa trên cơ sở lợi nhuận trước thuế đã điều chỉnh vào cuối năm 2023.
Hiện Grab vẫn duy trì vị trí dẫn đầu phân khúc đưa đón bằng xe 2 bánh với 60% thị phần, bỏ xa 2 đối thủ chính là Gojek (19%) và Be (18%). Các hãng công nghệ còn đẩy mạnh mảng khác như giao hàng, giao đồ ăn, đi chợ hộ…
Có thể thấy, ban đầu các hãng xe công nghệ vào thị trường Việt Nam với mô hình vận chuyển hành khách, nhưng sau đó mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như giao hàng, giao đồ ăn, đi chợ hộ để tồn tại. Đại dịch bùng nổ cách đây 2 năm đã làm thay đổi nhiều thói quen, hành vi của người tiêu dùng tại Việt Nam, các dịch vụ giao đồ ăn trở nên ngày càng phổ biến, đặc biệt là việc sử dụng các ứng dụng giao hàng qua điện thoại. Doanh thu thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt khoảng 148 triệu USD với tốc độ tăng trưởng bình quân 28,6%/năm, trong đó doanh thu đến từ các nền tảng vào khoảng 32 triệu USD.
Báo cáo cập nhật xu hướng trong 12 tháng qua và tìm hiểu mức độ phổ biến của các app giao hàng tại thị trường Việt Nam của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me cho thấy, mức độ thâm nhập ứng dụng thực phẩm tại Việt Nam ngày càng cao hơn. Theo khảo sát, 83% người Việt được hỏi có sử dụng các dịch vụ giao hàng đồ ăn/thức uống, cao hơn so với 62% của 12 tháng trước. Grab, ShopeeFood, Baemin và Gojek là những ứng dụng giao nhận đồ ăn phổ biến nhất tại thị trường Việt Nam.