Thế trận đất hiếm để "thoát Trung" của người Nhật
Năm 2010, một sự kiện rất quan trọng đã xảy ra đối với nước Nhật, khi một vụ va chạm tàu tại biển Hoa Đông dẫn tới mâu thuẫn nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Với lợi thế khi đó là chiếm tới hơn 90% sản lượng kim loại đất hiếm toàn cầu và là nhà cung cấp lớn nhất các kim loại này cho Nhật Bản, Trung Quốc đã ngầm thực hiện chính sách hạn chế việc xuất khẩu đất hiếm nhằm gây sức ép cho Nhật.
Các kim loại đất hiếm như neodymium, dysprosium, lanthanum... là nhân tố quan trọng nhất trong nam châm đất hiếm (REPM). Các nam châm này vốn là thành phần không thể thiếu trong các sản phẩm điện tử và cơ khí hiện đại như đĩa cứng máy tính, turbine điện gió, thiết bị chụp MRI,...
Chính vì vậy, việc Trung Quốc ngưng xuất khẩu nhóm kim loại này sang Nhật Bản đã gây rất nhiều thiệt hại cho việc sản xuất của các tập đoàn công nghiệp trọng yếu như Hitachi, Toyota, Honda, Mitsubishi… Bản thân các công ty này cũng là nhà cung cấp chính cho hàng loạt khách hàng lớn ở Mỹ và châu Âu, dẫn tới nhiều lo ngại về sự ổn định của các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Công nghệ xe hơi điện hybrid gần như phụ thuộc hoàn toàn vào kim loại đất hiếm - Ảnh: Lynas |
Vì vậy, động thái này của Trung Quốc đã tạo nên một làn sóng “thoát Trung” của các tập đoàn Nhật Bản, nhằm bảo đảm nguồn cung kim loại đất hiếm sẽ không còn bị gián đoạn lần nữa. Họ đã xây dựng nên một thế trận mới với quy mô toàn cầu, trong khắp các công đoạn của chuỗi cung ứng.
Một ví dụ đơn cử là trường hợp của tập đoàn Hitachi, một trong những nhà sản xuất REPM quan trọng nhất thế giới. Gần đây, việc Hitachi tuyên bố sẽ chuyển một phần dây chuyền sản xuất REPM của họ sang Trung Quốc đã được một số người đánh giá là dấu hiệu cho thấy tập đoàn này đã bỏ cuộc trong việc “thoát Trung”. Tuy nhiên, theo nhận định từ chuyên gia phân tích lão làng người Mỹ Jack Lifton, đồng sáng lập viên của công ty chuyên nghiên cứu về thị trường kim loại Technology Metals Research, thì đây chỉ là một bước lùi rất nhỏ trong thế trận đất hiếm của Hitachi.
Theo ông Lifton, có rất nhiều khả năng là Hitachi chỉ chuyển dây chuyền sản xuất các loại REPM cơ bản nhất sang Trung Quốc. Trong khi đó, các dây chuyền sản xuất những loại REPM đặc biệt cùng với bộ phận nghiên cứu và phát triển thì vẫn được đặt tại Nhật Bản. Từ Trung Quốc và Nhật Bản, các khối REPM sẽ được đưa sang một nhà máy cơ khí của Hitachi tại Malaysia, nơi chúng được mài và gia công thành các sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.
Ông Lifton đánh giá rằng việc Hitachi đặt nhà máy gia công tại Malaysia mang lại một số lợi thế quan trọng. Đầu tiên là Malaysia thực hiện việc bảo hộ sở hữu trí tuệ tốt hơn Trung Quốc. Thứ hai, Hitachi có thể dễ dàng thay đổi nguồn cung đầu vào mà không sợ rủi ro nào về mặt chính trị.
Và thứ ba, Malaysia đang có sẵn một tổ hợp nhà máy xử lý quặng đất hiếm mang tên LAMP do tập đoàn Lynas của Úc đầu tư, chuyên xử lý quặng chất lượng cao lấy từ mỏ Mount Weld tại Úc. Trước đây, một tập đoàn quốc doanh của Trung Quốc từng có kế hoạch thâu tóm Lynas, nhưng sau đó đã bị chính phủ Úc cản lại, nhằm ngăn không cho Trung Quốc độc chiếm thị trường kim loại đất hiếm. Vốn từng chiếm hơn 90% sản lượng toàn cầu, giờ đây tỷ trọng của các nhà sản xuất đất hiếm Trung Quốc đã giảm xuống còn 70%.
Mỏ đất hiếm khổng lồ Mount Weld tại Úc - Ảnh: globalsecurity.org |
Ngoài Malaysia, Việt Nam cũng đang là một điểm đến đầy hấp dẫn cho các nhà sản xuất REPM của Nhật. 2 nhà sản xuất lớn là Shin-Etsu và Showa Denko đều đã có nhà máy tại Việt Nam. Toyota và Honda cũng có nhà máy chuyên tái chế ăcquy NiMH để thu hồi kim loại đất hiếm.
Tại Lào Cai, việc khai thác mỏ đất hiếm lớn nhất cả nước là Đông Pao đang được triển khai bởi Công ty Phát triển Đất hiếm Đông Pao Nhật Bản do Sojitz và Toyota Tsusho đầu tư, thông qua việc hợp tác với công ty con Lai Châu – Vimico của Vinacomin. Ở Bà Rịa Vũng Tàu, một doanh nghiệp 100% vốn Nhật là Công ty Hóa chất hiếm Việt Nam đã đầu tư 49 triệu USD vào dự án sản xuất đất hiếm đầu tiên tại Việt Nam.
Thế trận của các tập đoàn Nhật Bản không chỉ dừng lại ở Malaysia và Việt Nam. Tại bang Kerala của Ấn Độ, Toyota là một trong các chủ đầu tư chính vào một nhà máy lớn có công suất xử lý 8.000 tấn quặng monazite, hiện đã sẵn sàng đi vào hoạt động. Ở Brazil, Mitsubishi và Sumitomo đang đầu tư vào việc xử lý quặng thải từ các mỏ thiếc để thu hồi khoáng sản đất hiếm. Tại Canada, Toyota đang đầu tư vào dự án mỏ đất hiếm Matamec, nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các động cơ điện.
Giáo sư người Mỹ Eugene Gholz, một chuyên gia tư vấn cho Bộ Quốc phòng Mỹ về vấn đề đất hiếm, nhận định rằng trong cuộc chơi với Nhật Bản, "Trung Quốc đã giành được thắng lợi nhất thời, nhưng rồi sau đó thì hầu hết các đòn bẩy của họ đã nhanh chóng biến mất".
Tuấn Minh
Nguồn Investor Intel