May Việt Tiến đã ký hợp tác đầu tư nhà máy sản xuất vải với Uniqlo, bước đầu tham gia chuỗi cung ứng của hãng thời trang nổi tiếng của Nhật này.

 
Xuân Mai Thứ Năm | 16/05/2024 07:00

Thế thủ của May Việt Tiến

Các thương hiệu thời trang nội địa như May Việt Tiến đang xoay chuyển mô hình kinh doanh trong chuỗi cung ứng dệt may.

Ngành dệt may Việt Nam nhìn thấy tín hiệu tốt hơn từ quý I nhưng năm 2024 dự báo thách thức chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra các quy định mới mang tính bắt buộc, liên quan đến môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may... Bên cạnh các yếu tố chiến tranh, lạm phát trên thế giới dẫn đến chi phí ngày càng tăng cao, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Xoay xở tìm mô hình mới 

Trong bối cảnh này, năm 2024 May Việt Tiến lên kế hoạch công ty mẹ với tổng doanh thu 8.360 tỉ đồng và lãi trước thuế 200 tỉ đồng, lần lượt giảm 3% và 5% so với thực hiện năm 2023.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), sở hữu 30,4% vốn tại May Việt Tiến, chia sẻ về định hướng sắp tới của doanh nghiệp này: “Mô hình sản xuất hàng loạt, quy mô lớn, giá nguyên liệu rẻ, năng suất cao đã đi đến tận cùng và không còn phù hợp. Các đầu chuỗi, chủ nhãn hàng đang định vị loại hàng hóa này ở thị trường gia công là Bangladesh chứ không còn ở Việt Nam, do đó kéo giảm hiệu quả của May Việt Tiến. Hướng đi phải là nhanh chóng xoay chuyển mô hình sản xuất kinh doanh, linh hoạt trong từng giai đoạn”.

Ông Trường cũng nhấn mạnh: “Quá trình dịch chuyển sẽ là từ sản xuất trực tiếp thành nhà quản trị chuỗi cung ứng”. Theo đó, May Việt Tiến có kế hoạch đầu tư 50 tỉ đồng năm 2024, trong đó xây dựng văn phòng, cửa hàng, kho, đầu tư công nghệ tự động, máy móc thiết bị chuyên dùng, công tác chuyển đổi và quản lý kỹ thuật số... Đối với thị trường xuất khẩu, Công ty sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá lại toàn diện thị trường, khách hàng, mặt hàng năm 2023 để đưa ra giải pháp cho kế hoạch năm 2024; tiếp tục tập trung vào 2 khách hàng lớn là Nike và Uniqlo; tìm kiếm thêm khách hàng xuất khẩu.

May Việt Tiến đã ký hợp tác đầu tư nhà máy sản xuất vải với Uniqlo, bước đầu tham gia chuỗi cung ứng của hãng thời trang nổi tiếng của Nhật này. Đây là hoạt động tương tự nhiều doanh nghiệp khác trong Vinatex khi đàm phán với các nhà cung cấp khác để chuyển nguồn cung nguyên phụ liệu về Việt Nam như H&M, Zara... 

Bám trụ ở sân nhà 

Tại thị trường nội địa, May Việt Tiến phải rà soát đánh giá lại hệ thống cửa hàng, tạm dừng những cửa hàng hoạt động không hiệu quả, áp dụng công nghệ RFID vào quản lý bán hàng và hàng tồn kho; phát triển sản phẩm mới mang thương hiệu TT_up; tái cấu trúc bán hàng online. Mô hình Việt Tiến House bán kết hợp áo, quần sơ mi truyền thống, sản phẩm dành cho hoạt động dã ngoại và giày Nike. Chính những cửa hàng này giúp May Việt Tiến bám trụ tại thị trường trong nước. 

Thậm chí, từ năm 2019 May Việt Tiến đã đầu tư Trung tâm R&D, Viện Mẫu Thời trang Việt Nam (FADIN) nhằm phát triển các mẫu theo kịp xu hướng quốc tế cho những sản phẩm tiêu thụ nội địa. Mới đây, May Việt Tiến đã khai trương Trung tâm Viettien Mall (quận 12, TP.HCM) với tổng diện tích 2.000 m2, tăng không gian trải nghiệm, lựa chọn cho khách hàng. Theo ông Bùi Văn Tiến, Tổng Giám đốc May Việt Tiến, Công ty vẫn xác định chiến lược lâu dài vừa đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu vừa mở rộng thị trường với trên 1.000 cửa hàng, đại lý trên khắp các tỉnh.

Thị trường thời trang nội địa với quy mô gần 5 tỉ USD được May Việt Tiến cũng như nhiều công ty dệt may hướng đến từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, dù có kinh nghiệm xuất khẩu ở các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, các thương hiệu thời trang Việt lại gặp nhiều khó khăn ở thị trường trong nước.

Báo cáo của Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC) nhận định doanh nghiệp thời trang nội địa từ lâu đã mất lợi thế cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế ngay trên sân nhà. Nguyên nhân chính là do mẫu mã thiết kế nghèo nàn, quy mô nhỏ lẻ. Trong khi đó, thị trường thời trang Việt Nam có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài đã đẩy lui nhiều thương hiệu Việt như Blue Exchange, PT2000, Ninomaxx, Việt Thy... Một số thương hiệu Việt vẫn duy trì như May Việt Tiến, May Nhà Bè, An Phước, May 10 chủ yếu tập trung ở phân khúc sản phẩm công sở và trung niên.

Tình thế này khiến các thương hiệu thời trang nội địa buộc phải giảm số lượng cửa hàng, hạn chế mở mới. Mặt khác, họ phải tập trung giảm chi phí, tối ưu hóa vận hành, cố gắng đưa ra sản phẩm đủ hấp dẫn và phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung mở cửa hàng ở TP.HCM để trải nghiệm, còn lại đẩy mạnh kênh bán hàng online. Đáng chú ý, theo báo cáo quý I/2024 của Metric, doanh số của ngành trên toàn sàn đạt khoảng 14.000 tỉ đồng với xấp xỉ 132 triệu sản phẩm bán ra. Trong đó, thời trang nữ chiếm tỉ trọng cao nhất, một số thương hiệu nội địa Việt có doanh thu chiếm thứ hạng cao.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Trưởng Văn phòng đại diện VITAS tại phía Nam, cho rằng doanh nghiệp nội phải thay đổi cách kinh doanh, nếu cứ làm theo cách truyền thống sẽ không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại. Theo đó, doanh nghiệp may phải có bộ phận thiết kế tốt, có đội ngũ biết tìm nguồn vải phù hợp để làm ra sản phẩm mang thương hiệu riêng. Nhiều doanh nghiệp cũng nhận ra bài học nên nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng trong tương lai 3 năm kế tiếp để phát triển vững chắc hơn như lồng ghép yếu tố thời trang xanh, thương hiệu thân thiện với môi trường.