Kinh doanh pin mặt trời ngày càng không thuận lợi khi giá trên thị trường giao ngay đã giảm một nửa vào năm 2023. Ảnh:shutterstock.com,

 
Hải Vân Thứ Ba | 18/06/2024 07:30

Thế lưỡng nan của pin mặt trời

Hệ lụy đối với ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam khi đỡ gánh nặng thuế đối với pin mặt trời của Trung Quốc.

Quyết định tăng thuế nhập khẩu tấm pin năng lượng mặt trời Trung Quốc được hoàn thiện ở các nước Đông Nam Á của Chính phủ Mỹ được xem như một sự can thiệp khẩn cấp nhằm chặn đà tăng của sản phẩm này từ Trung Quốc.

Ngăn chặn Trung Quốc

Mức thuế tăng từ 25% lên 50% được áp dụng từ tháng 6/2024, dựa trên kết quả điều tra năm 2023 của Bộ Thương mại của Mỹ (DOC), chỉ ra các công ty Trung Quốc như BYD, Trina Solar, Vina Solar và Canadian Solar đã sản xuất linh kiện, tiến hành hoàn thiện sản phẩm pin mặt trời tại Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam trước khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Đây là tin vui với ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ vốn phải vật lộn để cạnh tranh với sản phẩm pin mặt trời Trung Quốc. Nhưng các nhà sản xuất Trung Quốc lại đang phản đối quyết định này. Trina Solar, công ty đã đầu tư hàng tỉ USD vào sản xuất pin ở Thái Lan và Việt Nam, cho rằng động thái này của Mỹ sẽ làm tăng chi phí hầu hết các sản phẩm năng lượng mặt trời của Mỹ do nguồn cung bị hạn chế đúng thời điểm nhu cầu nguồn năng lượng này tăng vọt nhờ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA).

Vài năm trước, ngay khi thị trường rơi vào tình trạng dư cung, nhiều công ty Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu ra toàn cầu, tìm cách vượt qua các rào cản thương mại của Mỹ và châu Âu, thông qua các tuyến đường gián tiếp ở Đông Nam Á và Mexico, để tránh thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc. Lượng vốn ròng hằng năm cho vay đối với lĩnh vực công nghiệp rất lớn, khoảng 83 tỉ USD vào năm 2019, đến năm 2023 đã tăng vọt lên 670 tỉ USD.

 

Việc Mỹ tăng thuế có thể làm đảo lộn kế hoạch của Trina Solar khi đầu tư 454 triệu USD xây dụng nhà máy số 3 tại Thái Nguyên - nơi nhà máy 1 và 2 đang hoạt động ổn định, năm 2023 đạt doanh thu gần 1,2 tỉ USD sau khi Công ty rót 478 triệu USD xây dựng kể từ năm 2016. Khi nhà máy số 3 đi vào hoạt động, Trina Solar ước tính tổng giá trị sản lượng hàng hóa tại Việt Nam dự kiến đạt từ 2,7-2,8 tỉ USD vào năm sau.

Kinh doanh pin mặt trời ngày càng không thuận lợi khi giá trên thị trường giao ngay đã giảm một nửa vào năm 2023; mức giảm này có khả năng tăng thêm 40% vào năm 2028, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Yếu tố này, cộng hưởng với tình trạng dư cung tại Trung Quốc và tăng thuế nhập khẩu của Mỹ có thể kéo doanh thu của các công ty ở Đông Nam Á thuộc sở hữu Trung Quốc xuống mức thấp.

Năm nay, mục tiêu tăng doanh thu gấp 2 lần so với mức 2,8 tỉ USD của năm 2023 từ các nhà máy ở Việt Nam của JA Solar Technology (Top 5 nhà sản xuất pin mặt trời lớn nhất Trung Quốc) có thể không như kỳ vọng. JA Solar đã chi 967 triệu USD đầu tư 4 nhà máy tại tỉnh Bắc Giang để sản xuất tấm silic, tế bào quang điện hiệu suất cao và lắp ráp tấm pin năng lượng mặt trời. Ông Cận Bảo Phương (Jin Baofang), Chủ tịch JA Solar, từng khẳng định JA Solar coi nhà máy ở Việt Nam như “thị trường kép” sản xuất module và pin nhằm đáp ứng chiến lược và các kế hoạch trong dài hạn của công ty này.

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn là công xưởng sản xuất pin mặt trời khó bị tổn thương nhất thế giới, dự kiến tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) tăng hơn 15% trong giai đoạn 2024-2029, theo Mordor Intelligence. Dữ liệu của Hiệp hội Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc cũng chỉ ra rằng, chính phủ nước này đã dành hơn 20 năm để phát triển ngành năng lượng mặt trời tốt nhất thế giới thông qua một loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp Trung Quốc đã dựa vào lợi thế về quy mô, chuỗi cung ứng chi phí thấp, nguồn vốn ngân hàng dồi dào và các khoản vay chi phí thấp để xây dựng nhà máy tự động hóa và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D).

Việt Nam bất lợi

Các quyết định mới đây của Mỹ và sự phản ứng của Trung Quốc đang đẩy ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam vào thế bất lợi. Tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc sở hữu quy mô sản xuất 80% tổng số tấm pin mặt trời trên toàn cầu, sẽ không chỉ mang đến những rủi ro mà còn tác động lên khả năng tồn tại của các công ty sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á đã tăng 75% trong 4 năm vừa qua.

 

Trên thực tế, các nhà sản xuất trong nước không thể cạnh tranh về giá với sản phẩm của các công ty Trung Quốc. Theo nhiều nhà phân tích ngành, Trung Quốc sản xuất và bán pin mặt trời với giá rẻ hơn rất nhiều so với doanh nghiệp Việt Nam. Đến nay, sản phẩm do các công ty trong nước sản xuất vẫn tập trung vào phân khúc giá rẻ. Sự hạn chế trong tiếp cận công nghệ lõi, đặc biệt là công nghệ sản xuất các module kích thước lớn, đang làm tăng thêm chi phí sản xuất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Ngành sản xuất trong nước không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ phía chính phủ, cả trong giai đoạn 2018-2021, thời điểm bùng nổ điện mặt trời tại Việt Nam.

Ngược lại, Trung Quốc đã trở thành người chơi chính tại thị trường Việt Nam. Ông Đào Du Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Long Solar Energy, chỉ ra tình trạng hỗn loạn về tiêu chuẩn, chất lượng và giá bán pin mặt trời của Trung Quốc. Việt Nam đang theo đuổi chính sách thương mại công bằng và tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế và ngành năng lượng, dù muốn hay không vẫn là thị trường có tỉ trọng nhập khẩu thiết bị công nghệ từ Trung Quốc nhiều hơn các quốc gia trong khu vực. Do đó, tấm pin mặt trời không phải là sản phẩm duy nhất của Việt Nam bị mắc kẹt giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và chịu thiệt hại lớn nhất là các doanh nghiệp nội địa. 

Bây giờ, nhiều nhà sản xuất của Việt Nam đang cùng lúc làm nhiều việc, vừa đáp ứng các yêu cầu trong quá trình điều tra của DOC, vừa nỗ lực cân bằng khả năng sản xuất và duy trì năng lực trong chuỗi cung toàn cầu. Họ cho rằng những giải pháp này sẽ giúp duy trì sản lượng và kim ngạch xuất khẩu pin mặt trời sang Mỹ cũng như thị trường toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm:

Lixco trở lại bằng nhãn hàng riêng