Tình trạng thiếu đơn hàng khiến hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành đều kinh doanh sụt giảm mạnh. Ảnh: TL
Thế khó của Garmex Sài Gòn
Khó khăn do thiếu đơn hàng, Garmex Sài Gòn đã tạm ngưng sản xuất để giảm thiệt hại, cắt giảm gần hết nhân sự và bán dần tài sản. Công ty dự kiến bán 2 thửa đất có tổng diện tích hơn 7,6 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Nam. Công ty sẽ lấy ý kiến cổ đông để thông qua kế hoạch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh công ty này đã phải tạm ngưng sản xuất, cắt giảm gần hết lao động do tình hình kinh doanh sa sút, không có đơn hàng.
Trong văn bản giải trình, Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Hằng cho biết, quý IV/2023 Công ty vẫn không có đơn hàng. Vì thế, Ban lãnh đạo Công ty cho rằng: “Tình hình kinh doanh không thuận lợi. Nếu giữ sản xuất tại các nhà máy, Công ty sẽ lỗ rất nhiều”. Thực tế, sản xuất và xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm 2023 chịu nhiều áp lực chưa từng có trước những thách thức lớn do suy thoái kinh tế toàn cầu, hậu đại dịch, lượng hàng tồn kho lớn do nhu cầu sụt giảm... Khó khăn này khiến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may năm 2023 ước đạt 40,324 tỉ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022. Tình trạng thiếu đơn hàng khiến hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành đều kinh doanh sụt giảm mạnh như Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Dệt may Hòa Thọ, Dệt may Huế, Dệt may Thành Công...
Ngoài khó khăn chung của ngành dệt may khi đơn hàng sụt giảm, hoạt động kinh doanh của Garmex còn chịu tác động dây chuyền bởi việc hụt thu từ đối tác là Công ty Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) xảy ra tranh chấp hợp đồng mua bán với Amazon. Bị liên đới, 6 tháng đầu năm 2022 Garmex có khoản thu gần 224 tỉ đồng cho việc cung cấp đơn hàng cho Gilimex (chiếm hơn 85% tổng doanh thu thuần), nhưng cùng kỳ năm 2023 không có khoản thu này.
Hậu quả khiến Garmex thua lỗ trong 2 năm (2022-2023) lần lượt 85 tỉ đồng và 52 tỉ đồng. Tại cuối năm 2023, tổng tài sản của Garmex đạt hơn 410 tỉ đồng, giảm gần 22% so với đầu năm. Tiền mặt chỉ còn 29 triệu đồng, tiền gửi ngân hàng hơn 26 tỉ đồng, hàng tồn kho gần 95 tỉ đồng. Nợ phải trả gần 27 tỉ đồng.
Trong bối cảnh ngành dệt may còn nhiều khó khăn bất định, Garmex cắt giảm lao động, từ quy mô gần 3.800 nhân sự vào cuối năm 2021, đến cuối năm 2022 chỉ còn 2.101 người và cuối năm 2023 vỏn vẹn 35 người. Đây là cú sốc lớn đối với một doanh nghiệp đầu ngành như Garmex Sài Gòn từng có 5 nhà máy gồm An Nhơn, An Phú, Bình Tiên (TP.HCM), Tân Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Quảng Nam với tổng diện tích hơn 10 ha, gồm 70 dây chuyền sản xuất.
Đây cũng là điều đáng tiếc trong bối cảnh ngành dệt may phấn đấu trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỉ USD, tăng 9% so với năm 2023. Tuy nhiên, quyết định thu hẹp của Garmex cũng đến từ diễn biến bất thường của thị trường xuất khẩu dệt may. Theo phân tích của SSI Research, triển vọng phục hồi của xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm 2024 vẫn chưa rõ ràng trong bối cảnh dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Năm 2024, bên cạnh dự báo nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, ngành dệt may còn phải đối diện với hàng loạt khó khăn từ việc áp dụng cơ chế EPR (Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU, Luật Thẩm định chuỗi cung ứng của Đức... Hơn nữa, đơn hàng xuất khẩu dự kiến tiếp tục giảm, xu thế số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào cao. Cùng với đó là rủi ro nghĩa vụ trả nợ, rủi ro lãi suất, tỉ giá giảm. Xu hướng chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh... là những vấn đề đặt ra với dệt may thời gian tới.
Theo ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, khách hàng quốc tế đã thông báo cho các doanh nghiệp dệt may và giày dép Việt Nam về việc chuẩn bị đón lượng đơn hàng lớn hơn trong năm nay, nhưng các đơn hàng này lại được chia nhỏ hoặc ở dưới dạng đơn giao gấp nhiều hơn, thay vì kế hoạch nhập hàng từ 6-12 tháng như trước đây.
Bên cạnh đó, dựa trên báo cáo kết quả kinh doanh của loạt hãng bán lẻ lớn tại Mỹ như Walmart, Target, Best Buy... VinaCapital đánh giá đơn hàng xuất khẩu trên toàn cầu đã sẵn sàng tăng trở lại, khi hàng tồn kho cuối năm 2023 của các hãng bán lẻ dự kiến giảm 5-7% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, nhu cầu từ Mỹ, thị trường lớn nhất sản phẩm ngành này ở Việt Nam, còn yếu sẽ kìm hãm quá trình phục hồi của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Ngoài ra, một số nhà cung cấp đang chuyển nhà máy đến các nước có nhân công rẻ hơn, đặc biệt là Bangladesh. Điều này sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh về giá đối với các đơn hàng của doanh nghiệp dệt may của Việt Nam.