Thế giới nên lo ngại hơn về các khoản vay học phí tại Mỹ
Ngành ngân hàng thế giới đã trở nên an toàn hơn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, nhưng rủi ro kinh tế đã lan rộng ra các lĩnh vực khác. Đó là nhận định của ông Raghuram Rajan, cựu thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI), trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hôm thứ Sáu.
Ông Rajan nói: "Gần như chắc chắn là sét sẽ không đánh 2 lần ở cùng một nơi, có thể bởi vì bạn đã cẩn trọng hơn.”
“Các ngân hàng đang ở vị thế an toàn hơn nhiều so với quá khứ. Vấn đề là mức độ rủi ro tổng thể trong nền kinh tế đã không giảm đáng kể. Nếu bạn làm cho ngành ngân hàng an toàn hơn, rủi ro sẽ chạy đến nơi khác", ông Rajan nói. Hiện nay, ông đang làm giáo sư bộ môn tài chính tại Trường kinh doanh Booth của Đại học Chicago.
Ông Rajan nói rằng có những khía cạnh của hệ thống tài chính ngầm đã trở nên "đáng lo ngại hơn", đặc biệt là tỷ lệ vỡ nợ cao đối với các khoản vay học phí đại học tại Mỹ.
Theo một phân tích của Hiệp hội Người tiêu dùng Mỹ (CFA) dựa trên số liệu của Bộ Giáo dục Mỹ cung cấp, số người không thể thanh toán khoản vay học phí từ chính quyền liên bang đã tăng 17% trong giai đoạn năm 2015-2016.
Năm ngoái, 42,4 triệu người Mỹ nợ 1,3 nghìn tỷ USD tiền học phí đại học. Hơn 4,2 triệu người trong số đó đã bị vỡ nợ vào cuối năm 2016, tăng đáng kể so với 3,6 triệu vào năm 2015.
Ông Rajan nói rằng rủi ro của các khoản nợ xấu này còn nguy hiểm hơn, trước viễn cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Ông nói: "Đây mới chỉ là giai đoạn đầu của việc tăng lãi suất, và điều gì sẽ xảy ra nếu một số khoản vay này có lãi suất thả nổi, và lãi suất của Fed tăng cao hơn?”
Lãi suất cho một số khoản vay học phí đến từ các tổ chức tư nhân có thể được "thả nổi" theo lãi suất chuẩn. Tại Mỹ, các khoản vay học phí từ chính quyền liên bang được thả nổi bằng cách sử dụng một công thức dựa trên lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm.
Vì lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ tăng một khi Fed tăng lãi suất, cộng thêm việc Quốc hội có thể vay thêm tiền để chi trả cho các chính sách của Trump, chi phí thanh toán cho các khoản vay mới cũng sẽ tăng theo.
Việc thắt chặt thanh khoản cũng có thể ảnh hưởng đến các phân khúc khác của thị trường toàn cầu, ông Rajan nói thêm.
Ông bình luận: "Câu hỏi đặt ra là, khi môi trường toàn cầu thắt chặt, liệu những hiệu ứng này có lan sang những thị trường chưa từng trải qua hậu quả của đợt khủng hoảng trước đây. Có những nước đã tránh được cuộc khủng hoảng đó, và từ đó tới nay có nhiều diễn biến sôi động, như thị trường nhà ở tại Úc và Canada".
Bá Ước
Nguồn CNBC