Thái Bình Thứ Sáu | 23/03/2018 08:16

Thế giới mất hơn 460 tỷ USD/năm cho hàng nhái

Mỗi năm, người dân thế giới bỏ ra để buôn bán và mua những sản phẩm không chính hãng (hàng nhái) lên tới 462 tỷ USD.

Con số này được đưa ra trong báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Văn phòng Sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu (EU). 

Báo cáo cho biết, những mặt hàng bị làm nhái nhiều nhất thường thuộc về lĩnh vực thời trang, trang sức, ngoài ra còn có dược phẩm, điện thoại thông minh. 

Những thương hiệu bị làm nhái nhiều nhất như thời trang North Face, thương hiệu Michael Kors, thời trang quần bò Levi's, trang sức Tiffany của Mỹ hay thương hiệu trang sức cao cấp Cartier của Pháp. Điện thoại Iphone của Apple hay Galaxy của Samsung cũng là hai sản phẩm công nghệ thường xuyên bị làm nhái. 

Báo cáo cũng cho biết, giá trị giao dịch hàng nhái có thể tăng lên đến đến 2,3 nghìn tỷ USD vào năm 2022.

Tại Việt Nam, hơn 18.000 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái được phát hiện trong năm 2017, với tổng số tiền xử phạt và tịch thu trên 200 tỷ đồng.

Đây là những con số đáng báo động cho thấy tình trạng hàng giả, hàng nhái ở nước ta diễn biến ngày càng phức tạp, phá vỡ thị trường, triệt "đường sống" của nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Những vụ việc hàng giả, hàng nhái bị phát hiện, xử lý gần đây có xu hướng gia tăng với tính chất và mức độ vi phạm ngày càng tinh vi, trắng trợn hơn. Thế nhưng một điều dễ nhận thấy là dù có rất nhiều cuộc ra quân, tuyên truyền nhưng đâu lại vào đấy.

Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho hay, hiện đã có tới trên 30 ngành hàng ở Việt Nam bị làm giả. Trong khi đó, hệ thống pháp luật liên quan đến xử lý hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều chồng chéo, trùng lắp.

Theo các chuyên gia, hoạt động chống hàng gian - hàng giả chỉ có thể đạt hiệu quả tốt hơn nếu doanh nghiệp và các lực lượng chức năng có được những giải pháp hỗ trợ tốt hơn.