Thứ Hai | 18/11/2013 21:11

Thế giới lo ngại khi Trung Quốc thu gom tài nguyên toàn cầu

Bắc Kinh mới đổ hàng tỉ USD vào ngành công nghiệp dầu khí Brazil.

Theo Tân Hoa xã, Sinopec - tập đoàn dầu khí lớn thứ hai Trung Quốc - tuyên bố hôm 1-10 sẽ đầu tư 7,1 tỉ USD để mua lại 40% cổ phần của chi nhánh Hãng dầu khí Tây Ban Nha Repsol ở Brazil. Như vậy, Sinopec sẽ có cơ hội tiếp cận lượng dự trữ 1,2 tỉ thùng dầu khí của Hãng Repsol ở Brazil.

Địa điểm dự án khai thác cát dầu Syncrude ở Canada. Sinopec muốn mua lại cổ phần dự án này từ Hãng ConocoPhillips với giá 4,65 tỉ USD - Ảnh: neftegas.ru

Đây là khoản đầu tư vào ngành dầu khí nước ngoài lớn thứ hai của Trung Quốc, sau thỏa thuận mua Hãng Addax Petroleum Corp trị giá 8 tỉ USD hồi năm ngoái để khai thác dầu khí tại Iraq và Tây Phi. Đây không phải là lần đầu tiên tập đoàn dầu khí Trung Quốc nhảy vào Brazil. Năm ngoái, Sinopec đã quyết định cho công ty năng lượng Brazil Petrobras vay 10 tỉ USD để đổi lấy nguồn cung 10.000 thùng dầu/ngày trong vòng 10 năm tới.

Cuộc săn lùng toàn cầu

Trong khi phần lớn các nước phát triển đang chìm trong hố sâu nợ nần, Trung Quốc vẫn tiếp tục cuộc săn lùng tài nguyên trên phạm vi toàn cầu với quy mô chưa từng thấy.

Theo Hãng tin Bloomberg, chỉ trong năm 2009 các công ty Trung Quốc đầu tư số tiền kỷ lục 32 tỉ USD để mua lại các tài sản năng lượng và tài nguyên khắp thế giới. Và trong năm nay, không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh ngừng tay. Hồi tháng 5-2010, Tập đoàn dầu khí Na Uy Statoil đã đồng ý bán 40% cổ phần mỏ dầu Peregrino ở Brazil cho Hãng Sinochem với giá 3,07 tỉ USD.

Các công ty Trung Quốc cũng mua các dự án khai thác cát dầu ở Canada, mỏ quặng sắt ở Guinea, mỏ dầu ở Angola và Uganda, công ty dầu Argentina Bridas Corp. và một công ty khí methane lớn của Úc.

Nguồn tin báo Anh Telegraph cho biết các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang nhảy vào Mông Cổ để khai thác các mỏ than, đồng, vàng và uranium giàu có ở quốc gia này.

Tại Trung Á, Bắc Kinh nắm giữ cổ phần đa số ở các mỏ dầu Kazakhstan, Turkmenistan, Uzbekistan…

Mới đây, Bắc Kinh ký hợp đồng trị giá 25 tỉ USD với Rosneft để đảm bảo hãng dầu khí Nga cung cấp dầu cho Trung Quốc trong 20 năm tới.

"Trung Quốc rất đông dân nhưng lại thiếu tài nguyên - báo Independent dẫn lời ông Jonathan Fenby, chuyên gia về Trung Quốc của nhóm nghiên cứu Trusted Resources - Do đó họ muốn có nguồn cung ổn định, thay vì phải mua trên thị trường mở".

Chuyên gia năng lượng Wang Aochao thuộc Hãng UOB-Kay Hian ở Thượng Hải khẳng định sự phụ thuộc vào dầu khí nhập khẩu đã buộc các công ty nhà nước Trung Quốc mở cuộc săn lùng tài nguyên toàn cầu. "Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong một thời gian dài, bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang rất nóng" - ông Wang dự báo.

Thế giới quan ngại

Dù Trung Quốc khẳng định không có ý định làm bá chủ thế giới mà chỉ muốn đáp ứng nhu cầu năng lượng, nhưng nhiều quốc gia vẫn tỏ ra lo ngại trước hiện tượng Bắc Kinh thu vét tài nguyên toàn cầu. Theo Independent, mới đây người dân Canada ầm ầm phản đối khi có tin Hãng Sinochem muốn mua cổ phần Tập đoàn nguyên liệu phân bón Potash Corporation.

Nhiều người cũng lên tiếng bày tỏ sự lo ngại Hãng dầu khí Anh BP có thể rơi vào tay người Trung Quốc sau thảm họa tràn dầu trên vịnh Mexico, Mỹ. Năm ngoái, khi hãng sản xuất nhôm Chinalco muốn mua lại Tập đoàn Úc Rio Tinto, truyền thông Úc và nhiều chính trị gia mở chiến dịch kêu gọi "Giữ nước Úc của người Úc".

Báo New York Times đưa tin ở Nhật, dư luận và giới truyền thông cũng phản đối mạnh mẽ với tin các công ty địa ốc Trung Quốc đang muốn đầu tư vào thành phố Misasa ở tỉnh Tottori. Dù số tiền đầu tư không quá lớn, nhưng giới truyền thông Nhật vẫn lên tiếng cảnh báo việc người Trung Quốc mua đất sẽ đe dọa những cánh rừng rậm rạp và nguồn nước ở Misasa.

"Việc Trung Quốc mua tài nguyên đang trở thành vấn đề nóng trên "rađa" chính trị thế giới - báo Independent dẫn lời chuyên gia Robin Geffen - Nhiều người lo ngại an ninh quốc gia sẽ bị ảnh hưởng khi Trung Quốc mua sạch tài nguyên thiên nhiên".

Con số khổng lồ

Hiện tại, Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai trên thế giới. Theo ước tính của công ty quản lý quỹ đầu tư Anh Neptune Investment Management, Trung Quốc cần phải mua hai công ty quy mô tương đương Hãng dầu khí Anh BP mỗi năm trong vòng 12 năm tới để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước.

Theo đài truyền hình CCTV, năm ngoái Trung Quốc tiêu thụ 3.600 tỉ kWh điện, năm nay lượng tiêu thụ sẽ tăng 8-9%, lên mức 4.000 tỉ kWh. Chỉ riêng mức tăng theo năm này đã tương đương với tổng sản lượng điện cả năm của nước Anh. "Đó là những con số khổng lồ - chuyên gia Robin Geffen của Hãng Neptune nhận định - Thỏa thuận với Repsol và các hợp đồng trước đó đều mang tính chiến lược để đáp ứng nhu cầu năng lượng tương lai".

Nguồn NDH.vn


Sự kiện