Asia Times

 
Bá Ước Thứ Hai | 18/12/2017 13:44

"Thế giới không còn những cơ hội như thế này"

Andy Ho, giám đốc đầu tư Vina Capital nói với Asia Times: "Tiến trình thoái vốn là không chậm chạp, ngược lại phải nói là thông minh."

Tiến trình thoái vốn thông minh

Ngày 18.12, Việt Nam sẽ tổ chức đấu giá 53,6% cổ phần của Công ty Cổ phần Rượu-Bia-Nước giải khát Bia Sài Gòn (Sabeco).

Đây sẽ là thương vụ thoái vốn lớn nhất tại một doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở Việt Nam từ trước đến nay, thu về khoảng 110 nghìn tỷ đồng (4,8 tỉ USD). Chính phủ Việt Nam hiện đang nắm giữ 89% cổ phần của nhà sản xuất bia.

Ông John Ditty, đối tác quản lý của KPMG Việt Nam, nói: "Đây là cơ hội để một nhà sản xuất bia nước ngoài mua lại cổ phần của nhà máy bia số một Việt Nam. Thế giới không còn những cơ hội như thế này, và Việt Nam là một trong những thị trường bia hấp dẫn nhất không chỉ ở châu Á mà còn trên thế giới."

Chính phủ cũng lên kế hoạch thoái phần lớn cổ phần tại Công ty Cổ phần Rượu-Bia-Nước giải khát Hà Nội (HoSE: BHN) vào đầu năm 2018. Việt Nam có nhiều hơn là một thị trường bia hấp dẫn vào thời điểm này.

Nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm nay. Một phần do vốn luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục chảy mạnh vào nền kinh tế, 20 tỷ USD. Xuất khẩu và thị trường chứng khoán đầu tăng trưởng mạnh. VN-Index đạt mức cao kỷ lục của 970 điểm vào đầu tháng 12, trong khi xuất nhập khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ vượt con số 400 tỷ USD trong năm nay. John Ditty, một người đã sống 24 năm tại Việt Nam, lạc quan dự đoán rằng: "Có rất nhiều cơ hội ở đây bởi vì nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong 10 năm tới.”

Theo Asia Times, Việt Nam đã đi qua một chặng đường dài kể  từ năm 1986, khi lần đầu tiên đưa ra một chương trình cải cách gọi là “đổi mới”, và đã thành công trong việc chuyển dịch từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế theo cơ chế thị trường.

Nhưng quá trình giảm sở hữu nhà nước tại khoảng 4.500 doanh nghiệp nhà nước (SOE) vẫn chưa hoàn tất. Nhiều doanh nghiệp nhà nước trong số đó chi phối các lĩnh vực kinh tế quan trọng như ngân hàng và năng lượng.

Đến năm 2016, Việt Nam có hơn 2.000 doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50%, trong khi nhà nước vẫn sở hữu 100% vốn tại 700 doanh nghiệp khác, theo một báo cáo tháng 11 về cải cách doanh nghiệp nhà nước của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (HoSE: VCI).

Từ năm 2011 đến năm 2016, Chính phủ chỉ thu về 21.000 tỷ đồng (926 triệu USD) từ thoái vốn nhà nước, khoảng 1/5 số tiền mà nhà nước sẽ thu được từ việc bán Sabeco.

Việt Nam hiện phải đối mặt với việc nợ công gia tăng, ở mức 63,7% GDP vào năm 2016, gần mức trần mà Chính phủ đặt ra là 65%. Một phần nguyên do là thu thuế giảm do giảm thuế nhập khẩu theo yêu cầu của 10 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Do đó việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp là một nguồn tiền quan trọng cho chi tiêu ngân sách.

Với chủ trương tăng tốc quá trình thoái vốn, Chính phủ đã công bố kế hoạch tư nhân hoá một phần 137 doanh nghiệp nhà nước, với số vốn góp của nhà nước trị giá 13 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2020. Chính phủ sẽ thoái hơn 50% cổ phần trong 106 doanh nghiệp nhà nước, dưới 50% cổ phần tại 27 DNNN, dưới 35% tại 4 công ty còn lại. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam muốn thu về thêm  2,9 tỷ USD từ thoái vốn nhà nước tại 375 DNNN khác.

 

Theo Asia Times, Việt Nam đã có một số thương vụ thoái vốn thành công. Chẳng hạn, Jardine Cycle & Carriage (JCC), công ty con của Jardine Matheson, đã mua lại 5,53% cổ phần của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (HoSE: VNM) trong tháng 11 vừa qua với giá 616 triệu USD.

Cuối năm 2016, Chính phủ Việt Nam cũng đã bán 5,4% cổ phần của VNM cho Tập đoàn Thái Lan  - TCC thông qua Fraser & Neave (F&N). Đây là một nhà sản xuất nước giải khát có trụ sở tại Thái Lan, trong năm 2013 tập đoàn này đã mua lại F&N với giá 11 tỷ USD, thương vụ này đã đem lại cho Tập đoàn Thái một mạng lưới phân phối sản phẩm khổng lồ tại khu vực Đông Nam Á.

Trước khi VNM niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM năm 2003, công ty, khi đó 100% thuộc sở hữu của nhà nước, chỉ có trị giá khoảng 400 triệu USD. Các nhà phân tích lưu ý rằng, ngay cả khi chỉ còn sở hữu hơn 36% cổ phần tại VNM, giá trị của nó cũng cao hơn nhiều so với con số 400 triệu USD.

Ông Andy Ho, Giám đốc Đầu tư của VinaCapital, cho biết: "Hiện tại, Chính phủ Việt Nam nắm giữ 36% một doanh nghiệp trị giá 14 tỷ USD, nghĩa là họ có 6 tỷ USD.”

Một lý do khiến việc cổ phần hóa các DNNN chậm chạp là do Chính phủ muốn thu được giá trị tối đa cho tài sản mà họ nắm giữ,  một nhiệm vụ khó khăn khi thị trường chứng khoán đình trệ, như những gì đã diễn ra trong nửa đầu năm 2017.

Từ tháng 10 đến tháng 12, chỉ số chứng khoán TP.HCM đã tăng từ 800 lên 940 điểm. Ông Andy Ho cho biết: "Tiến trình thoái vốn là không chậm chạp, ngược lại phải nói là thông minh. Bây giờ thị trường đang tăng lên và bạn có thể có được giá trị tốt nhất của bạn, do đó, Chính phủ sẽ thoái vốn".

Cổ phần hóa sẽ làm tăng hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước

Theo Asia Times, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã rất thông minh nhằm có được giá trị nhất cho tài sản của mình, và các đối tác chiến lược tốt nhất cho các doanh nghiệp nhà nước của mình, nhu cầu thoái vốn thật sự rất cấp bách. Năm 2019, Việt Nam sẽ đạt chuẩn quốc gia thu nhập trung bình, nghĩa là sẽ không còn đủ điều kiện nhận các khoản vay ưu đãi cho hỗ trợ phát triển (vốn ODA).

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC (Việt Nam), nói: "Tôi cho rằng nhu cầu thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa sẽ vẫn luôn hiện hữu, điều rất cấp bách trong hiện tại khi Chính phủ cần tiền để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Lý do thứ hai là việc cổ phần hóa sẽ làm tăng hiệu quả của các DNNN, vốn ít hiệu quả hơn khu vực tư nhân".

Asia Times cho rằng có rất nhiều bằng chứng thực nghiệm cho rằng tư nhân hóa là cách tốt để tăng hiệu quả của doanh nghiệp, điều mà ngay cả Chính phủ Việt Nam cũng đã thừa nhận.

“Bộ Tài chính báo cáo rằng kết quả kinh doanh năm 2015 của 350 công ty sau cổ phần hóa đã cho thấy sự tăng trưởng đáng kể về vốn điều lệ tăng 72%), tổng tài sản (tăng 39%), doanh thu (tăng 29%) và lợi nhuận trước thuế (tăng 49%) so với trước khi cổ phần hoá", báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt cho hay.

Theo Asia Times, Việt Nam vẫn có một cách để tạo ra một khu vực tư nhân năng động, điều mà một số nhà quan sát cho rằng đã bị lãng quên khi chính phủ tập trung nhiều hơn vào việc khuyến khích dòng vốn FDI.

"Sự thật là các doanh nghiệp trong nước chưa hoạt động thật sự hiệu quả, đặc biệt là trong sản xuất và xuất khẩu; chúng ta không có cạnh tranh cao ", ông Nguyễn Đức Thành, giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR). "Hầu hết hoạt động xuất khẩu của chúng ta đều do các tập đoàn đa quốc gia thực hiện và sẽ chịu sự cạnh tranh nhiều hơn khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức có hiệu lực vào tháng 1.2018."

Ông Thành nói rằng điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết nhằm tạo ra một khu vực tư nhân có sức cạnh tranh quốc tế hiệu quả hơn và đó là một trong những động lực chủ yếu của việc  thúc đẩy tư nhân hóa.

Nguồn Asia Times