Thứ Bảy | 11/08/2012 21:42

Thế giới không cần đến dầu mỏ của Iran?

Trong năm qua, xuất khẩu dầu thô của Iran đã giảm 50%. Tuy nhiên, cho đến nay, thế giới dường như không thiếu dầu của Iran mà thậm chí đang thừa dầu.
Nhiều người cho rằng việc Iran bị cấm vận sẽ dẫn đến những sóng gió trên thị trường năng lượng thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, thế giới dường như không cảm thấy thiếu dầu mỏ của Iran. Thực ra thị trường gần như đang thừa dầu.

Hơn một tháng trôi qua kể từ khi lệnh cấm vận của phương Tây với các giao dịch dầu mỏ của Iran có hiệu lực. Và cho đến nay, dường như thị trường đã diễn biến tốt hơn dự đoán. Xuất khẩu dầu mỏ của Iran giảm khoảng 1,4 triệu thùng/ngày, vượt dự đoán trước đây là giảm 900.000 thùng/ngày của nhà phân tích năng lượng David Greeley của Goldman Sachs.

Trong một năm qua, xuất khẩu dầu thô của Iran đã giảm 50%, nhiều hơn dự đoán giảm “20 đến 30%” của chính phủ Iran. Với mức giá 100 USD/thùng, như vậy có khoảng 100 triệu USD doanh thu đã bốc hơi khỏi ngân khố của Iran mỗi ngày. Và lạm phát cũng bắt đầu cất cánh, chẳng hạn giá thịt gà đã tăng gấp 3 lần trong một năm qua.

Báo cáo của Goldman Sach dự đoán lệnh cấm vận của Mỹ làm nhu cầu dầu thô của Iran giảm 350.000/thùng ngày, và tương tự, lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu cũng khiến xuất khẩu của Iran giảm 600.000 thùng/ngày. Thêm khoảng 500.000 thùng dầu nữa bị cắt giảm khi Iran không thể vận chuyển dầu đi qua một số nước cấm vận.

Liên minh châu Âu cũng cấm các công ty bảo hiểm châu Âu ký hợp đồng với các con tàu chở dầu của Iran. Đây là một trở ngại lớn vì các công ty châu Âu kiểm soát ít nhất 90% thị trường bảo hiểm tàu chở dầu. Ít công ty nào dám liều lĩnh chở dầu của Iran mà không được bảo hiểm.

Gần đây, Ấn Độ đã phê duyệt một chương trình bảo hiểm được nhà nước hỗ trợ để bảo hiểm cho các tàu chở dầu Iran. Tuy nhiên, chương trình này không đủ để bảo hiểm cho tất cả các tàu chở dầu của Iran. Do vậy, khả năng xuất khẩu dầu của Iran chỉ còn phụ thuộc vào chính đội tàu của nước này, những con tàu mà gần đây thường xuyên phải “ngụy trang”.

Nhiều người cho rằng việc nước xuất khẩu dầu hàng đầu của OPEC phải giảm một nửa sản lượng sẽ dẫn đến những sóng gió trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, thế giới dường như không cảm thấy thiếu dầu mỏ của Iran. Thực ra thị trường gần như đang thừa dầu.

Ảrập Xêút đang thừa sản lượng. Iraq vừa vượt qua Iran để trở thành nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai trong OPEC. Dầu mỏ từ Libya đã trở lại. Và sản lượng từ Mỹ đang tăng nhanh hơn dự đoán.

Theo nhà chiến lược thị trường năng lượng kỳ hạn của Citigroup, Timothy Evans, sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã tăng 14,2% trong 12 tháng qua. Mặc dù nước này không xuất khẩu một chút dầu mỏ nào nhưng sản lượng trong nước tăng cũng đã làm giảm nhu cầu dầu mỏ từ OPEC. Và như vậy, dầu từ OPEC lại bù sang những thị trường khác như Ấn Độ hay Trung Quốc.

Ngoài ra, còn một điều quan trọng nữa là nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ. Hôm 10/8, Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) đã giảm dự báo về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2013. “Thật khó có thể tin rằng, thị trường sẽ thiếu dầu”, Fadel Gheit, nhà phân tích năng lượng dài hạn trên thị trường cho biết.

Tuy nhiên, trong 6 tuần gần đây, giá dầu đã tăng khá mạnh khi thị trường có dấu hiệu bị thắt chặt. Giá đã tăng 20% trong vòng chưa đầy 2 tháng. Giá tăng một phần do việc các mỏ dầu ở vùng Biển Bắc phải dừng hoạt động để bảo dưỡng theo định kỳ. Một phần nữa là do tâm lý sợ việc cấm vận Iran sẽ làm nguồn cung thiếu hụt. Và phần còn lại chính là do các nhà đầu cơ đã quay trở lại thị trường kỳ hạn để kiếm lời sau đợt rút lui ồ ạt vài tháng trước đây.

Tuy nhiên, khó có thể nói thị trường sẽ tiếp tục khan hiếm khi các yếu tố cơ bản về cung cầu không có nhiều thay đổi. Có thể, thế giới sẽ dư cung trong thời gian tới. Cứ nhìn vào những con số gần đây của IEA và Bộ Năng lượng Mỹ cũng có thể thấy điều này. Cả hai đều có quan điểm cho rằng tăng trưởng nhu cầu sẽ ở mức 1% trong năm 2013, trong khi nguồn cung tăng 2,2%.

Nguồn VnMedia


Sự kiện