Chủ Nhật | 02/09/2012 09:32

Thế giới học được gì từ khủng hoảng lương thực 2007-2008?

Các quốc gia cần hành động để đối phó với đợt lạm phát giá lương thực sắp tới, khi nó có thể ảnh hưởng đến hàng tỷ người nghèo trên thế giới.
Năm 2007- 2008, thế giới chứng kiến một đợt tăng giá gạo kỷ lục. Các nước xuất khẩu chính như Việt Nam, Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, kết hợp với việc các nước nhập khẩu lớn như Philippines gấp rút mua vào, đẩy giá gạo tăng 117%-149%  trong quý I/2008. Hậu quả mà nó để lại là đẩy gần 1 tỷ người trên thế giới rơi vào cảnh nghèo đói.

Sau đó, một đợt tăng giá gạo nữa diễn ra trong năm 2011, sau khi Nga cấm xuất khẩu lúa mỳ do hạn hán. Lần này, có thêm 44 triệu người rơi vào cảnh khốn khó.

Hiện tại, thế giới một lần nữa đang phải đối mặt với một đợt lạm phát giá lương thực. Giá các mặt hàng ngô, đậu tương, lúa mỳ liên tục leo thang do hạn hán nghiêm trọng tại Mỹ, nước trồng trọt lớn nhất thế giới.

Giá ngô tăng 60%, lúa mỳ tăng 44% và đậu tương tăng 34% kể từ giữa tháng 6. Cho đến nay, vẫn chưa thể ước tính được tác động mà đợt tăng giá lương thực lần này ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người nghèo châu Á và trên khắp thế giới.

Với 3 đợt lạm phát giá trong vòng 5 năm, các quốc gia đã thu được những bài học những gì để chống đỡ tốt hơn khi có biến động giá ngoài tầm kiểm soát?

Theo nghiên cứu mới đưa ra của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), giải pháp cho vấn đề nằm ở thị trường gạo ASEAN.

Để tránh lặp lại cuộc khủng hoảng giá gạo, các thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đưa ra Kế hoạch An ninh Lương thực Phối hợp với một bản kế hoạch hành động, nhằm tiến tới 4 mục tiêu: lập kho dự trữ gạo khẩn cấp trong khu vực, tạo thuận lợi cho thương mại gạo trong khu vực, phát triển hệ thống thông tin an ninh lương thực và theo đuổi sự tiến bộ qua nghiên cứu và phát triển. 

Tháng 6/2012, Ban Dự trữ An ninh Lương thực ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và ADB thực hiện thí điểm Diễn đàn Thương mại Gạo ASEAN tại Campuchia. Ba thông điệp mà diễn đàn đưa ra bao gồm:

Thứ nhất, ASEAN có thể chống đỡ tốt hơn với các cú shock giá gạo nếu theo đuổi chiến lược thương mại theo chiều sâu, duy trì lượng gạo dự trữ thích hợp ở cấp quốc gia và khu vực, đồng thời thu thập và phân tích thông tin thị trường một cách chính xác.

Thứ hai, bằng cách đi tiên phong trong việc xây dựng một chỉ số giá gạo và tiêu chuẩn hóa các loại gạo, ASEAN có thể góp phần ổn định giá gạo thế giới ở tầm kiểm soát.

Thứ ba, ASEAN cần tăng dự trữ gạo khu vực nhằm đối phó với những trường hợp thiên tai nghiêm trọng và thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu.

Nguồn ADB/Khampha


Sự kiện