Thứ Sáu | 20/07/2012 06:33

Thế giới đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực

Hạn hán tồi tệ hơn 50 năm ở Mỹ khiến giá nông sản lên cao kỷ lục, đẩy thế giới đến bờ vực một cuộc khủng hoảng lương thực.
Giá ngô và đậu tương phiên giao dịch ngày 19/7 lên cao kỷ lục, vượt các mức đỉnh thiết lập giai đoạn 2007-2008 khiến hơn 30 quốc gia rơi vào khủng hoảng lương thực.

Giá lúa mỳ tuy chưa đạt đỉnh nhưng đã tăng hơn 50% trong vòng 5 tuần, vượt mức giá thời kỳ Nga cấm xuất khẩu lúa mỳ năm 2010.

Hạn hán ở Mỹ - quốc gia cung cấp gần 50% lượng xuất khẩu ngô, lúa mỳ và đậu tương  - sẽ ảnh hưởng đến các nước nhập khẩu từ Ai Cập đến Trung Quốc.

José Graziano da Silva, Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) cho tờ Financial Times hay: “Tôi thực sự lo ngại về xu hướng giá hàng hóa tăng gần đây, nó đặc biệt ảnh hưởng đến những người nghèo, người phải chi tới 75% thu nhập cho lương thực”.

Năm 2007-2008, giá lương thực tăng đã gây ra khủng hoảng lương thực từ Bangladesh đến Haiti khi số người đói trên thế giới vượt 1 tỷ người. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, hiện nay, nguồn cung gạo và lúa mỳ– loại ngũ cốc quan trọng – vẫn tương đối dồi dào.

Joseph Glauber, kinh tế trưởng thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng cho rằng, tình hình hiện tại vẫn tốt hơn nhiều so với năm 2008.

USDA mới đây đã hạ dự báo sản lượng ngô xuống thấp nhất 25 năm và cho rằng tình hình sẽ tiếp tục xấu đi.

Các chuyên gia khí tượng học cảnh báo, ít nhất 50% diện tích trồng ngô và đậu tương của Mỹ sẽ tiếp tục khô hạn cho đến giữa tháng sau.

Ông Graziano da Silva cũng cho rằng FAO sẽ triệu tập hội nghị liên chính phủ trước cuối năm nay để giải quyết vấn đề an ninh lương thực nếu tình hình xấu đi.

Nguồn FT/Khampha


Sự kiện