Đây không phải là lần đầu Thế Giới Di Động lấn sân sang các sản phẩm trái ngành. Ảnh: Qúy Hòa.
Thế Giới Di Động "tùy biến" để đánh chiếm nhanh nhiều lĩnh vực mới
Sau 1 năm khó khăn do dịch bệnh, ngành bán lẻ đang dần hồi phục. Theo Fitch Solutions, tỉ lệ hộ gia đình Việt Nam có thu nhập trên 10.000 USD sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025, cùng với cơ cấu dân số trẻ, thế hệ tiêu dùng năng động, thị trường bán lẻ được kỳ vọng tiếp tục là miếng bánh béo bở trong thời gian tới.
Báo cáo của VNDirect cho rằng, sau khi nhiều công ty phải đóng cửa do dịch bệnh thì những công ty còn lại có thể tận dụng lợi thế để giành thêm thị phần. Cũng theo xu hướng này, trái ngược với các doanh nghiệp nhỏ phải rời bỏ cuộc chơi do áp lực tài chính, tính đến quý III/2021, Thế Giới Di Động đang nắm giữ hơn 10.000 tỉ đồng từ các khoản mục tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn. Ấn tượng nhất vẫn là câu chuyện Công ty tận dụng vị thế và điểm tín dụng tốt của mình để sử dụng nghiệp vụ Treasury (vay lãi suất thấp để đầu tư ngắn hạn kiếm lời), giúp gia tăng thêm gần 400 tỉ đồng lợi nhuận trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Theo phân tích của ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinGroup, Thế Giới Di Động có chi phí vốn vay bình quân (Cost of Financing - CoF) rất thấp, chỉ 3,7%/năm, trong khi tỉ suất lợi nhuận đầu tư bình quân là 7,2%/năm, tương đương mức chênh lệch lên tới 3,5%. Đây là mức lợi nhuận cao và không kém gì biên lợi nhuận tín dụng (NIM) của các ngân hàng thương mại, thậm chí cao hơn cả lợi nhuận kinh doanh trái phiếu của các công ty chứng khoán.
Với nguồn lực tài chính mạnh mẽ, Thế Giới Di Động có lẽ đang là đơn vị tận dụng tốt nhất thời cơ này. Sau những thành công bước đầu của chuỗi TopZone, Công ty vừa cho ra mắt 5 chuỗi bán lẻ mới, gồm AVA Sport, AVA Fashion, AVA Kids, AVA Ji và AVA Cycle, tập trung bán các sản phẩm chưa từng có trước đây như đồ thể thao, thời trang, xe đạp, trang sức và cả bỉm sữa.
Trong đó, các chuỗi thời trang (AVA Fashion), mẹ và bé (AVA Kids) và đồ thể thao (AVA Sport) sẽ được mở mới hoàn toàn với các cửa hàng riêng lẻ. Đối với chuỗi xe đạp (AVA Cycle) và trang sức (AVA Ji), Tập đoàn sẽ xây dựng theo mô hình Shop-in-shop, tức các cửa hàng đặt bên trong siêu thị Thế Giới Di Động hoặc Điện Máy Xanh.
Đây đều là những thị trường có đủ không gian để Thế Giới Di Động có khả năng “làm nên chuyện”. Nếu như chuỗi đồ thể thao và xe đạp được hưởng lợi từ xu hướng người dân quan tâm tới sức khỏe sau đại dịch, thì thời trang luôn là miếng bánh béo bở, với độ phân mảnh cao. Theo thống kê của Euromonitor, không có doanh nghiệp nào đang nắm quá 2% thị phần ngành thời trang.
Báo cáo của VNDirect cho rằng, sau khi nhiều công ty phải đóng cửa do dịch bệnh thì những công ty còn lại có thể tận dụng lợi thế để giành thêm thị phần. Ảnh: Qúy Hòa. |
Với bán lẻ trang sức, đây có lẽ là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất do dịch bệnh. Không ít doanh nghiệp nhỏ phải rời bỏ thị trường do không chịu nổi áp lực. Sự rơi rụng này vô tình khiến chi phí gia nhập ngành của Thế Giới Di Động thấp đi nhất định.
Ở chiều ngược lại, dù ngành mẹ và bé ước tính có quy mô 7 tỉ USD cùng tốc độ tăng trưởng 30-40% (theo Nielsen), AVA Kids sẽ phải chịu nhiều áp lực từ những thương hiệu lớn với thị phần đủ tốt trong ngành như Con Cưng, BiboMart và Kids Plaza. Nếu chỉ xét trong ngành mẹ và bé, Con Cưng đang chiếm thị phần số 1, áp đảo cả về doanh thu và thương hiệu so với “tân binh” AVA Kids. Doanh nghiệp này tham vọng đạt doanh số 1 tỉ USD vào năm 2023 và chiếm 30% thị phần để đạt 2 tỉ USD năm 2025.
Trong thị trường bán lẻ trang sức, PNJ đang là cái tên lớn với hơn 30% tổng thị phần. Xét về vốn hóa, PNJ cũng là doanh nghiệp cùng ở tầm “tỉ USD” với Thế Giới Di Động. Do đó, AVA Ji sẽ phải tìm cách tồn tại trước một PNJ có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ, được cấu thành từ thương hiệu có độ nhận diện cao cùng đội ngũ 1.000 thợ kim hoàn, đặc biệt có 160 thợ kim hoàn được xếp vào nhóm “nghệ nhân kim hoàn”.
Tuy vậy, kinh nghiệm bán lẻ vẫn là thế mạnh của Thế Giới Di Động. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định: “Thế Giới Di Động có kế hoạch triển khai các chuỗi khác như bán đồ thể thao, thời trang và đồ dùng cho mẹ và bé. Những thị trường này nhìn chung vẫn còn rất phân mảnh và chúng tôi kỳ vọng khả năng thực thi linh hoạt và kinh nghiệm của Thế Giới Di Động có thể chinh phục những thị trường chưa có người thống lĩnh này”.
Đây không phải là lần đầu Thế Giới Di Động lấn sân sang các sản phẩm trái ngành. Tháng 5/2021, Công ty cũng đã thử nghiệm bán xe đạp và phụ kiện như bình nước, khóa chống trộm, mũ bảo hiểm... ở ngay trước các cửa hàng Điện Máy Xanh. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên Hội đồng Quản trị Thế Giới Di Động, cho biết trong dịch bệnh, Công ty nhận thấy có cơ hội đưa ra chuỗi mới với sản phẩm khác hoàn toàn so với trước đây. Chẳng hạn, Công ty triển khai mô hình Shop-in-shop hay dành một khoảng riêng trong cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh bán xe đạp, đồng hồ, mắt kính... nhằm gia tăng hiệu quả.
Việc lấn sân sang các lĩnh vực khác có thể giúp nhà bán lẻ này mở ra nhiều vùng đất tăng trưởng mới, đặc biệt trong bối cảnh thị phần của các chuỗi Điện Máy Xanh và Thế Giới Di Động đang dần bão hòa. Một ấn tượng khác trong chiến lược lấp đầy thị phần này là các chuỗi mới đều được Thế Giới Di Động triển khai rất nhanh, nhằm có thể tận dụng triệt để thời cơ. Chỉ sau một thời gian ngắn công bố, 5 hệ thống này đều đồng loạt khai trương vào đầu tháng 1/2022.