Thế giới di động
Thế Giới Di Động tính huy động vốn từ trái phiếu
Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) vừa có Nghị quyết HĐQT thông qua việc phát hành các trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu của Công ty.
Lượng trái phiếu phát hành tối đa là 1.200 tỷ đồng, dự kiến được phát hành trong 1 đợt. Trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu và giá phát hành đúng bằng mệnh giá. Lãi suất cố định, tối đa là 6,8%.
Số lượng phát hành tối đa là 1.200 trái phiếu. Kỳ hạn trái phiếu tối đa là 5 năm.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo lãnh và không phải là nợ thứ cấp của Công ty.
Thời gian phát hành dự kiến trong quý IV/2017, ngày phát hành cụ thể sẽ do Chủ tịch HĐQT quyết định. Tổ chức bảo lãnh thanh toán là Credit Guarantee and Investment Facility (CGIF), đây là một quỹ uỷ thác của Ngân hàng Phát triển châu Á.
Mục đích phát hành gồm tăng quy mô vốn hoạt động; thực hiện các chương trình và dự án đầu tư; và các mục đích chung khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Ở Việt Nam, ngoài MWG, Vingroup cũng đã phát hành thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu vào năm 2016 và lượng trái phiếu cũng được CGIF bảo lãnh. Lãi suất là 7,75% và 8,5% cho các trái phiếu kì hạn 5 năm và 10 năm.
Hiện tại, theo báo cáo tài chính kết thúc ngày 30.09.2017, nguồn vốn hoạt động của MWG đến từ vốn chủ sở hữu 5.244 tỷ đồng, và từ vay ngắn hạn 3.900 tỷ đồng. Công ty chỉ vay dài hạn khoảng 78 tỷ đồng, và cũng phát sinh trong năm nay, và là khoản vay từ Ngân hàng Standard Chartered, đáo hạn tháng 8.2020. Công ty đã trả được gần 19 tỷ đồng, và dư nợ vay dài hạn hiện tại chỉ còn hơn 59 tỷ đồng, lãi suất của khoản vay này là bằng lãi suất tiền gửi 1 tháng cộng với 3%. Ngoài ra, hầu hết khoản vay ngắn hạn của công ty cũng đều là lãi suất thả nổi. Do vậy, nếu thành công trong đợt phát hành trái phiếu này, với mức lãi suất thấp, cố định, MWG sẽ được đảm bảo nguồn lực có thể thực hiện được các mục tiêu tham vọng của mình trong thời gian tới.
Gần đây, gã khổng lồ bán lẻ của Việt Nam đã lấn sân sang mảng cửa hàng tạp hóa, với chuỗi Bách hóa Xanh, mà theo HSC công bố hồi tháng trước thì chuỗi này đã đạt điểm hòa vốn trong quý IV này. Đồng thời, Công ty cũng đang chuẩn bị những bước đi nhằm tham gia thị trường dược phẩm.
Cũng cần lưu ý là đây là trái phiếu không không chuyển đổi, không kèm chứng quyền nên cổ phiếu của Công ty sẽ không bị pha loãng trong tương lai và lợi ích cổ đông sẽ không bị ảnh hưởng.
CGIF là một Quỹ đa quốc gia với các thành viên đóng góp gồm Chính phủ các nước ASEAN + 3 và Ngân hàng Phát triển Châu Á (" ADB"). CGIF hoạt động dưới cương vị quỹ ủy thác của ADB với ban đầu vốn đã góp của 700 triệu USD từ các thành viên. Là một cấu phần quan trọng của Sáng kiến thị trường Trái phiếu châu Á, CGIF được thành lập để phát triển và tăng cường thị trường tiền tệ và trái phiếu bằng đồng nội tệ của các nước ASEAN + 3. CGIF bắt đầu cấp bảo lãnh thanh toán từ ngày 1/5/2012 chủ yếu để tăng hạng mức tín dụng của các tổ chức phát hành uy tín trong khối ASEAN + 3. (Báo đầu tư) |