Thứ Hai | 02/06/2014 08:06

Thế Giới Di Động niêm yết và sức nóng của thị trường bán lẻ điện máy

Sức nóng mà vụ IPO Thế Giới Di Động phát ra phản ánh phần nào sức nóng của thị trường bán lẻ Việt Nam, với cả sự hấp dẫn và khắc nghiệt.
Ngày 27/5 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM chính thức công bố việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWI-TGDĐ).

Dự kiến lần phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng này sẽ diễn ra tháng 7 tới đây với hơn 62 triệu cổ phiếu.

Nếu dựa trên giá cổ phiếu mà nhà đầu tư Mekong Capital đã bán ra trước đó, giá trị của TGDĐ đực định giá lên tới hơn 253 triệu USD (hơn 5.000 tỷ đồng), gấp 17 lần giá trị vốn hóa thị trường của Công ty CP Thế giới số Trần Anh TAG.

Dù không phải doanh nghiệp bán lẻ điện máy đầu tiên lên sàn (trước đó ít nhất đã có Trần Anh), song sức nóng cho lần lên sàn này của TGDĐ lớn hơn nhiều. Sức nóng từ vụ IPO này tỏa ra đang phần nào phản ánh sức hấp dẫn của của thị trường bán lẻ của Việt Nam vẫn đang được duy trì.

Bán lẻ điện máy - càng hấp dẫn càng khắc nghiệt

Bán lẻ điện máy luôn là cuộc chơi hấp dẫn, nhất là khi Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới theo BMI.

Tháng 7/2013, Công ty CP Thế giới số Trần Anh TAG đánh dấu bước ngoặt lớn khi tập đoàn Nhật Bản Nojima trở thành cổ đông chiến lược. Nojima, tập đoàn siêu thị điện máy của Nhật Bản ra đời năm 1959 hiện đang sở hữu 177 siêu thị điện máy tại Tokyo, Yokohama và nhiều thành phố tại Nhật Bản, doanh thu trung bình năm trên 2 tỷ USD.

Năm ngoái, 2013, cũng là năm Trần Anh liên tục mở rộng quy mô, tăng số siêu thị trên địa bàn Hà Nội và mở rộng ra các tỉnh. Sau 8 năm chuyển sang mô hình chuỗi siêu thị, số lượng siêu thị của Trần Anh hiện nay là 10 tại Hà Nội và sẽ khai trương 3 siêu thị khác tại Nam Định, Hải Dương và Ninh Bình trong năm nay.

Tổng doanh thu năm ngoái của Trần Anh là gần 1.900 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với 2012 nhưng lợi nhuận sau thuế của Trần Anh trong 2013 chỉ là 1,3 tỷ đồng, giảm mạnh so với với con số 31 tỷ đồng năm trước đó.

Nguồn: Gafin / Báo cáo tài chính các công ty
Nguồn: Gafin / Báo cáo tài chính các công ty

Một cái tên khác “nặng ký hơn” cũng thường được đặt lên bàn so sánh với TGDĐ là FPT Retail, bộ phận mới được tách khỏi FPT Trading đầu năm 2013.

Năm ngoái, FPT Retail đã tăng gấp đôi số lượng cửa hàng, từ 50 lên 100 cửa hàng, và đến nay đã có 116 cửa hàng trên 50 tỉnh thành.

Doanh thu mảng bán lẻ của FPT năm ngoái tăng 186% so với năm 2012, đạt 2.932 tỷ đồng. Theo báo cáo thường niên 2013, thị phần của FPT trong lĩnh vực bán lẻ là 7%.

Hai năm 2012, 2013, FPT Retail lỗ gần 70 tỷ đồng. Với kế hoạch mở thêm 50 cửa hàng bán lẻ trong năm 2014, FPT dự kiến lĩnh vực bán lẻ sẽ bắt đầu có lãi trong năm tài chính này.

Từ tháng 4/2013, FPT được quyền phân phối iPhone chính hãng tại Việt Nam. Các dòng điện thoại thông minh của Lenovo do FPT phân phối tăng trưởng 749% trong năm 2013. Hai nhãn hàng điện thoại iPhone và Lenovo đã đóng góp đáng kể vào doanh thu mảng phân phối điện thoại của FPT với tỷ trọng đóng góp từ 1% trong năm 2012 lên 17% trong năm 2013. Đầu năm 2014, FPT chính thức trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm điện thoại của Huawei tại thị trường Việt Nam.

Nguồn: Gafin /Báo cáo tài chính
Nguồn: Gafin /Báo cáo tài chính


Cho dù vậy thị trường điện máy cũng là sân chơi vô cùng khắc nghiệt khi nhiều tay chơi lớn đã phải rời bỏ cuộc chơi vài năm gần đây trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

Thị trường sụt giảm, nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp thu hẹp quy mô, đóng cửa bớt các trung tâm điện máy hoặc chấp nhận ra đi vĩnh viễn. Điển hình cho sự chia tay của các doanh nghiệp điện máy là trường hợp của WonderBuy vào cuối năm 2011, Best Carring năm 2012.

Sang năm 2013, Home One cho đóng cửa chuỗi 3 siêu thị tại TP.HCM; 2 siêu thị của Esbet cũng lần lượt đóng cửa tại Đà Nẵng và TP.HCM.

Mới đây nhất, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Pico đã cho đóng cửa trung tâm điện máy Pico, nằm trong khu phức hợp Pico Plaza (Hà Nội).

Thế Giới Di Động – Chớp thời cơ tăng trưởng

Câu chuyện thành công của 5 thành viên sáng lập Thế giới di động (TGDĐ) được nhắc nhiều gần đây khi nhà đầu tư Quỹ Mekong Capital công bố bán 9% cổ phần tại TGDĐ với mức giá gấp gần 22 lần thời điểm mua vào năm 2007.

Hệ thống siêu thị TGDĐ thành lập năm 2004, đến nay có 232 cửa hàng tại khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam, chiếm 24% thị phần điện thoại di động và 21% thị phần máy tính bảng.

Theo đại diện của TGDĐ, diện tích trung bình của mỗi cửa hàng TGDĐ là 100m2, nhỏ và linh hoạt cho việc mở rộng như thu hẹp so với mô hình đại siêu thị điện máy mà nhiều doanh nghiệp khác tham gia thị trường đang theo đuổi.

Nguồn: Gafin
Nguồn: Gafin

Số lượng cửa hàng TGDĐ bắt đầu xu hướng tăng trưởng lần đầu tiên năm 2007 khi nhận được dòng vốn mới từ Mekong Capital. Tuy nhiên, sự bùng nổ số lượng cửa hàng thực sự diễn ra vào năm 2010 và năm 2011, năm mà do khủng hoảng kinh tế khiến giá mặt bằng bán lẻ hạ xuống rất thấp.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất 2013, TGDĐ ghi nhận doanh thu 9.545 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận sau thuế là xấp xỉ 259 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần lãi năm 2012. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) của năm 2013 là 24.294 đồng/cổ phiếu, gấp 2 lần con số 12.403 đồng/cổ phiếu của năm 2012. Các sản phẩm được TGDĐ hiện tập chung vào điện thoại di động, máy tính xách tay, thiết bị điện tử, phụ kiện, thiết bị gia dụng.

Thập niên vàng có còn tiếp tục

Dự báo tiêu thụ điện thoại cầm tay nói chung và smartphone cho đến 2018 của BMI
Dự báo tiêu thụ điện thoại cầm tay nói chung và smartphone cho đến 2018 của BMI. Đơn vị: Triệu cái.
Năm 1993, lần đầu tiên người Việt Nam được tiếp cận với thông tin di động khi mạng di động đầu tiên của Việt Nam - MobiFone chính thức đi vào hoạt động. Thời điểm đó, điện thoại di động rất khan hiếm và giá thành mỗi chiếc lên tới khoảng 1.000 USD.

Trong 10 năm đầu tiên, thị trường di động Việt Nam là thị trường độc quyền của VNPT với giá cước cũng như giá thiết bị đầu cuối cao. Thị trường di động Việt Nam chỉ thực sự có cuộc cách mạng khi Viettel chính thức bước chân vào thị trường di động năm 2004.

Ở thời điểm năm 2004, Việt Nam mới chỉ có 2 triệu thuê bao di động. Đến tháng 6/2013, tổng số thuê bao di động đã lên tới 136 triệu. Giá cước di động trong 10 năm qua cũng giảm hơn 3 lần, Việt Nam hiện là một trong những nước có mức cước thuộc hàng rẻ nhất thế giới.

Năm 2004 cũng là lúc hệ thống siêu thị điện thoại di động mang tên thegioididong.com thành lập và mở ra siêu thị đầu tiên tại TP.HCM.

Khó mà dự đoán liệu tốc độ tăng trưởng trong những năm tới còn mạnh mẽ như vậy nữa không? Nhưng điện thoại di động rõ ràng đã có một thập niên vàng với cú bùng nổ của các mạng viễn thông giá rẻ, các loại điện thoại giá rẻ và sự ra đời và phát triển của smartphone.

Bằng quyết định chỉ tập trung vào thị trường điện thoại di động, Thế Giới Di Động đã có một thập niên vàng cùng với sự tăng trưởng của thị trường.

Triển vọng tăng trưởng

Nguồn: Gafin / GFK
Nguồn: Gafin / GFK


Theo số liệu của GfK TEMAX Việt Nam, thị trường điện thoại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 33,8% trong năm 2013 với tổng doanh thu 40.433 tỷ đồng, nhờ sức mua tăng mạnh của người tiêu dùng đối với dòng sản phẩm điện thoại thông minh. Tính chung toàn thị trường công nghệ điện tử Việt Nam năm 2013 tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước, tổng doanh thu đạt 113.116 tỷ đồng.

Từ tháng 1/2015, theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ. Đây được xem là một thách thức với các nhà bán lẻ điện máy, khi không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải đương đầu với những đối thủ nước ngoài nhiều vốn và có bề dày kinh nghiệm.

Theo một tính toán sơ bộ, tổng doanh thu toàn thị trường điện máy Việt Nam đạt khoảng 5 tỷ USD/năm. Nguyễn Kim được xem là người dẫn đầu thì cũng mới đạt trên 400 triệu USD, và chiếm khoảng 8% thị phần.

Theo Nguyễn Kim, chỉ khi nào những tên tuổi nằm trong top 3 nắm 30-40% thị phần/tổng thị trường, thì lúc đó coi như miếng bánh đã định hình xong và các doanh nghiệp còn lại sẽ khó có đất sống.

Hiện miếng bánh vẫn còn và cơ hội vẫn chia đều cho các tên tuổi còn lại?

Phương Tuyền

Nguồn Theo DVO


Sự kiện