CNBC/Getty Images

 
Thứ Năm | 10/08/2017 13:26

Thế giới đã thay đổi ra sao vào đúng 10 năm sau khủng hoảng?

Ngày 9/8/2007, cuộc khủng hoảng tài chính đã được châm ngòi

Cách đây đúng 10 năm vào ngày 9/8/2007, ngân hàng BNP Paribas của Pháp đã chặn không cho các quỹ phòng hộ chuyên đầu tư vào các khoản vay thế chấp tại Mỹ rút tiền khỏi ngân hàng này.

Ngày hôm đó đã đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng tín dụng, khiến ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ vào một năm sau đó, và mở ra cuộc Đại suy thoái (Great Recession) trong giai đoạn 2007-2009.

Alexis Stenfors, cựu giao dịch viên (trader) của Merrill Lynch, đã trở nên "nổi tiếng" vì khiến cho công ty mình thua lỗ 450 triệu USD do các giao dịch tiền tệ sai lầm. Stenfors bình luận: "Thật sự là cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ đã bắt đầu sớm hơn một chút vào tháng 2 năm 2007, nhưng thị trường tiền tệ đã không lưu ý điều này cho đến tháng 8". Ông Stenfors hiện là giáo sư về kinh doanh tại Đại học Portsmouth của Anh.

Ông nói tiếp: "Chúng tôi nhận ra rằng vấn đề đã vượt ra khỏi những khoản vay thế chấp dưới chuẩn (subprime mortgagte) ở Mỹ và nó sẽ lan rộng ra tất cả các thị trường ở mọi nơi."

Một thập kỉ sau thảm họa đó, có nhiều thứ đã thay đổi:

Các ngân hàng trung ương tích cực vào cuộc

Năm 2008 đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã phối hợp hành động để giải cứu hệ thống tài chính bằng cách cắt giảm lãi suất, tái cấp vốn cho các ngân hàng, mua lại những tài sản xấu, và bơm thanh khoản vào nền kinh tế thông qua các chương trình mua trái phiếu chính phủ.

Theo Stenfors, trước đó chưa bao giờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và các nước khác đã phối hợp cùng nhau chặt chẽ như vậy. Ông nói: "Chưa ai từng tưởng tượng rằng các ngân hàng trung ương có thể hoặc sẽ làm được những việc có quy mô lớn như vậy, và họ đã làm tiếp chuyện đó nhiều lần. Điều này hoàn toàn thay đổi nhận thức về các tổ chức này”.

Các chính phủ xiết chặt quy định trong ngành ngân hàng

Rất nhiều quy định tài chính đã được ban hành kể từ sau cuộc khủng hoảng. Trong đó có đạo luật Dodd-Frank được ban hành năm 2010 tại Mỹ, buộc các ngân hàng phải nắm giữ nhiều vốn hơn để bù đắp các khoản lỗ tiềm tàng, hạn chế giao dịch đầu cơ, và bắt buộc các ngân hàng phải tách biệt hoạt động ngân hàng đầu tư và ngân hàng bán lẻ để giảm bớt khả năng sử dụng tiền gửi cho các giao dịch rủi ro. Hiện nay, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang muốn rút lại các quy định của Dodd-Frank.

Ở châu Âu, các nhà hoạch định chính sách đã cố gắng làm cho hệ thống tài chính khu vực trở nên linh hoạt hơn bằng cách tăng cường năng lực của ECB trong việc giám sát các ngân hàng. Điều này bao gồm các bài "kiểm tra sức chịu đựng" (stress test) của ngân hàng đối với các khủng hoảng trong tương lai, và tăng tính minh bạch đối với các loại tài sải phái sinh phức tạp.

Michael Lever, một chuyên gia về quy định toàn cầu tại Hiệp hội Thị trường Tài chính châu Âu (AFME), cho biết các cơ quan của Mỹ đã hành động nhanh hơn các đối tác châu Âu trong việc kiểm tra sức chịu đựng, tái cơ cấu ngân hàng và giải quyết các vấn đề với nợ xấu. Ông Lever nói: "Về cơ bản, nước Mỹ đã hoàn tất việc khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính".

Lãi suất siêu thấp

Vào tháng 8.2007, lãi suất chuẩn của Fed là 5,25%. Ngày nay, mặc dù Fed đã tăng lãi suất 4 lần kể từ ​​tháng 12/2015, nhưng mức lãi suất quỹ liên bang chỉ ở mức từ 1% đến 1,25%.

Tại Vương quốc Anh, lãi suất cơ bản hiện chỉ là 0,25% so với mức 5,75% của một thập kỷ trước. Lãi suất chuẩn của ECB hiện là 0%, so với mức 4% của năm 2007. Thậm chí, tại một nước thường có lãi suất cao như Trung Quốc, lãi suất cũng đã giảm còn 4,3%, so với mức 7,5% của năm 2007.

Các mức lãi suất siêu thấp này không chỉ phản ánh rằng đà hồi phục kinh tế toàn cầu là khá chậm chạp, mà còn cho thấy lạm phát đang thấp bất thường ngay cả khi kinh tế tăng trưởng trở lại. Lãi suất thấp là điều tốt cho những người có khoản vay thế chấp và các khoản nợ khác, nhưng lại là vấn đề với người gửi tiết kiệm.

Các nhà nghiên cứu của Fed là Michael Kiley và John Roberts đã ước tính trong một bài nghiên cứu gần đây rằng lãi suất dài hạn "tự nhiên" là khoảng 3%. Tuy nhiên, Fed đã miễn cưỡng trong việc tăng tốc lãi suất, do lạm phát tiếp tục nằm dưới mức mục tiêu 2%.

Triển vọng kinh tế đã sáng sủa hơn một chút

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết triển vọng kinh tế của Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha đang tăng lên. Eurostat, cơ quan thống kê cho 19 quốc gia sử dụng đồng euro, dự báo tăng trưởng hàng năm của eurozone sẽ đạt 2,1% trong năm nay, nhanh nhất trong một thập kỷ qua. Tây Ban Nha, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng tài chính, gần đây đã có số người thất nghiệp xuống dưới mức 4 triệu người lần đầu tiên trong 8 năm qua.

Tại Mỹ, giá cổ phiếu đang giao dịch ở mức kỷ lục, và báo cáo việc làm tháng 7 của Bộ Lao động cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất 16 nămlà 4,3%. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã lưu ý vào tháng 6 rằng triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế toàn cầu đang ở mức tích cực nhất trong một thời gian dài.

Báo cáo của BIS cũng xác định một số nguy cơ có thể đe dọa những triển vọng cải thiện, bao gồm lạm phát gia tăng, sức tiêu thụ và đầu tư yếu hơn, và tăng cường bảo hộ thương mại.

Sự phục hồi cũng không đồng đều giữa các khu vực. Tại Hy Lạp, tâm điểm của khủng hoảng nợ công châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp là khoảng 25%. Nền kinh tế Brazil đã suy giảm 3,6% trong năm ngoái và quốc gia này đang bị kẹt trong cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ ​​trước tới nay. Theo Stenfors, các công ty Trung Quốc cũng đang đối mặt với một núi nợ, và tại Bắc Âu, các khoản vay tiêu dùng của các hộ gia đình đang ở mức cao đáng lo ngại.

Ông Stenfors nói thêm: "Các chính phủ đã có nhiều thay đổi và tăng cường khả năng của mình, các ngân hàng trung ương đã can thiệp với tất cả các biện pháp khác thường có thể, nhưng các nền kinh tế không cải thiện quá nhiều. Tình hình thất nghiệp và GDP ở một số nước đã ổn, nhưng tình hình mấy năm qua vẫn không thể gọi là tốt đẹp".

Bá Ước

Nguồn CNBC