Thấy gì từ việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc?
Ngày 29/11/2019, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký Quyết định số 2497/QĐ-NHNN về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước. Quyết định này có hiệu lực ngày 1/12/2019.
Theo giải thích của Ngân hàng Nhà nước, Quyết định này được ban hành nhằm phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mặt bằng lãi suất trên thị trường hiện nay. Cụ thể, mức lãi suất mới đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,8%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm.
Như vậy, mức lãi suất đã giảm 0,4%/năm so với quyết định về lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước ban hành từ tháng 7/2019 là 1,2%/năm. Còn đối với ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc là 0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc là 0,05%/năm.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Quyết định số 2498/QĐ-Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô là 0,8%/năm; Mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước, đối với tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước là 1%, lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước là 0,05%.
Trước động thái hạ lãi suất dự trữ bắt buộc, cộng hưởng với các đợt giảm lãi suất huy động cho vay từ đầu năm 2019 đến nay nhiều chuyên gia nhận định Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng việc giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay mới thực sự tác động đến thị trường tài chính còn việc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc mặc dù ít nhiều có ảnh hưởng nhưng không đáng kể. Nguyên nhân là mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng hiện nay ở mức thấp, chỉ khoảng 3%.
Theo lẽ thông thường, các tổ chức tín dụng chỉ duy trì lượng tiền gửi bằng với dự trữ bắt buộc theo quy định của Ngân hàng Nhà nước để tránh lãng phí nguồn lực của chính các ngân hàng.
Thực tế là các tổ chức tín dụng chỉ mong muốn giảm mức dự trữ bắt buộc xuống để có thêm lượng tiền mang cho vay hoặc đi đầu tư để mang lại hiệu quả cao hơn cho đồng vốn. Do đó, việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc mặc dù có ảnh hưởng nhưng không đáng kể tới lợi nhuận của các tổ chức tín dụng .
Ở chiều ngược lại, bên phải trả lãi suất cho lượng tiền gửi dự trữ bắt buộc là Ngân hàng Nhà nước và đây là tiền ngân sách Nhà nước. Do đó việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc có ý nghĩa đối với việc giảm gánh nặng trả lãi suất cho ngân sách Nhà nước.
Trong một giai đoạn nhất định, nhằm phù hợp với điều kiện thực tế thị trường tín dụng cũng như để hỗ trợ các tổ chức tín dụng có thể giảm lãi suất cho vay thì Ngân hàng Nhà nước có thể tăng mức lãi của tiền gửi dự trữ bắt buộc.
Việc tăng mức lãi suất này sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế, tới dòng vốn từ các tổ chức tín dụng chạy ra nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu tình hình kinh tế đã ổn định, các tổ chức tín dụng an toàn, sinh lời tốt thì Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc phù hợp.
Trong trường hợp hiện nay, động thái giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước có thể xuất phát từ việc 6 tháng đầu năm 2019 các nhà băng đều đưa ra báo cáo tài chính cho thấy làm ăn có lãi, thậm chí nhiều nhà băng lợi nhuận đầy "bất ngờ". Như vậy, các ngân hàng phải chia sẻ "gánh nặng" với ngân sách Nhà nước bằng việc "hưởng" lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc ít hơn.
Chia sẻ nhanh với phóng viên, đại diện một ngân hàng thương mại cho biết, điều mà các nhà băng quan tâm là việc giảm mức dự trữ bắt buộc. Mức dự trữ bắt buộc hiện nay là 3%, với mức lãi suất huy động 6%/năm, như vậy cứ huy động được 100 đồng thì ngân hàng được cho vay 97 đồng và dành 3 đồng cho dự trữ bắt buộc.
Điều này có nghĩa, mức dự trữ bắt buộc tạo ra chi phí thực cho các ngân hàng sẽ cao hơn mức lãi suất huy động 6%/năm. Nếu được giảm mức dự trữ bắt buộc thì chi phí sẽ giảm và sẽ tăng khả năng cho vay của ngân hàng, các ngân hàng có thêm vốn để rót vào nền kinh tế...
Cũng vị đại diện này chia sẻ, nhiều người cho rằng mức dự trữ bắt buộc của Việt Nam đang nằm trong mặt bằng trung bình thấp của thế giới, như tại Mỹ mức dự trữ bắt buộc lên tới 10%. Họ lo ngại nếu giảm xuống cũng dẫn tới lo ngại về đảm bảo an toàn thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước khi có sự cố xảy ra.
Tuy nhiên, với việc các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của các ngân hàng vì hoạt động ngân hàng tại Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào lãi suất, không như các ngân hàng tại Mỹ có tỷ lệ thu từ phí dịch vụ cao.
Do đó việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giúp giảm chi phí cho ngân hàng và không quá mất thăng bằng sau những đợt giảm lãi suất cho vay vừa qua. Ngân hàng cũng có thêm một lượng vốn nhất định để đưa vào nền kinh tế đang thiếu vốn như hiện nay.