Thấy gì từ chuyện lợi nhuận ngân hàng khởi sắc?
Các ngân hàng vẫn phải đang trích lập dự phòng lớn cho những khoản vay xấu trước đây. Tuy nhiên, ở phía ngược lại, đến thời điểm này những khoản vay tốt cũng mang lại nguồn lợi nhuận dồi dào cho các ngân hàng.
Lấy ví dụ về Eximbank, một ngân hàng gặp trục trặc trong vấn đề nợ xấu và đang phải tái cấu trúc. Năm 2015, tiếp nối vận rủi của năm trước đó, lợi nhuận của Eximbank chỉ vỏn vẹn 89 tỉ đồng. Tuy nhiên, mức lãi thu được từ việc cho vay vẫn lên đến gần 3.400 tỉ đồng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015, tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần của ngân hàng này là 20%, trong khi năm ngoái chỉ hơn 3%.
Không chỉ Eximbank, nhiều ngân hàng khác cũng có tốc độ tăng trưởng lớn hơn 20% như ACB, Vietcombank, MBB, Techcombank, VIB và SHB. Trong số này, VPBank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động cho vay ấn tượng nhất, lên đến gần gấp đôi.
Tốc độ tăng trưởng một số chỉ tiêu của các ngân hàng |
Theo khảo sát 12 ngân hàng có quy mô tài sản chiếm 62% hệ thống ngân hàng thương mại, tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần trong năm nay trung bình là 19%, trong khi năm ngoái chỉ đạt mức 10%.
Giữa lúc thị trường bất động sản có những tín hiệu ấm lên, đây là những con số cho thấy các ngân hàng vẫn đang kinh doanh khá tốt, dù cho những trục trặc và khó khăn cơ bản là nợ xấu vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Vì sao thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng mạnh? Thu nhập lãi thuần đến từ hai thành phần quan trọng, đó là thu lãi từ những khoản vay và trả lãi những khoản tiền gửi. Chênh lệch lãi suất giữa đầu ra và đầu vào ảnh hưởng đến lợi nhuận của khoản thu nhập này.
Năm 2015, tỉ suất sinh lợi từ hoạt động cho vay của ngân hàng đã được cải thiện. Tỉ suất này được đo bằng hệ số NIM, tức đánh giá bằng chênh lệch giữa lãi suất cho vay đầu vào, đầu ra của ngân hàng. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, NIM bình quân của ngành ngân hàng là 2,74%, trong khi năm 2014 là 2,7%.
Khả năng sinh lời của các tổ chức tín dụng 2013-2015 |
Như vậy, sau nhiều năm theo chiều hướng giảm, NIM của ngân hàng đã bắt đầu đảo chiều. Điều đáng mừng là mặc dù NIM của ngành trong năm 2015 vẫn thua kém so với năm 2013, song tỉ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) đã phục hồi đáng kể. Theo đó, ROE đã quay trở về ngang với năm 2013, ở mức 6,4%.
Ở khía cạnh khác, nhu cầu tín dụng bắt đầu tăng mạnh hơn, cả ở khối cá nhân lẫn doanh nghiệp. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), NIM của ngân hàng trong khoản vay cá nhân cao hơn là doanh nghiệp, nghĩa là cho vay cá nhân thường có lãi suất cao hơn và ngân hàng cũng được lợi. Dường như chiến lược tập trung nhiều vào cho vay cá nhân của các ngân hàng trong thời gian qua đang mang về kết quả khả quan.
Một yếu tố khác giúp tình hình ngân hàng được cải thiện trong năm qua là nhu cầu kinh tế và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế đã tốt lên, theo báo cáo khảo sát các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Có thể nói, thu nhập lãi thuần là một nguồn thu quan trọng đối với các ngân hàng khi đóng góp bình quân đến 80% cơ cấu doanh thu. Và nếu chỉ nhìn vào con số lợi nhuận gốc, khó mà thấy được xu hướng tăng trưởng “hữu cơ” của ngân hàng.
Nhờ kết quả lợi nhuận tốt từ hoạt động cho vay, các ngân hàng vẫn có tiền nhiều để xử lý nợ xấu. Cũng theo khảo sát 12 ngân hàng ở trên, tổng lợi nhuận của các ngân hàng này đã tăng 11,5% trong năm 2015, trong khi con số của năm 2014 chỉ là 5,2%, mặc dù các ngân hàng vẫn mạnh tay trích lập dự phòng.
Năm 2016, phần lợi nhuận này được dự báo sẽ tăng lên, bởi trong năm qua các ngân hàng thậm chí còn cho vay mạnh hơn trước. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đã lên đến con số 18%, cao nhất trong vòng 5 năm qua. Nhu cầu về vốn tiếp tục được kỳ vọng sẽ tăng mạnh hơn và đó sẽ là nguồn thu tốt đối với các ngân hàng trong tương lai.
Thêm nữa, cũng theo BVSC, các khoản cho vay bất động sản thường có tỉ suất lợi nhuận tốt hơn so với cho vay các doanh nghiệp sản xuất. Trong khi đó, năm 2015 các ngân hàng rót vốn khá nhiều vào các dự án bất động sản. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tính đến cuối tháng 11 năm ngoái đã tăng gần 20%. Còn theo Ngân hàng Nhà nước, năm qua các ngân hàng tập trung cho vay khá nhiều đến các dự án bất động sản và dự án dài hạn.
Tín dụng tăng cao là cơ sở cho thu nhập lãi thuần trong tương lai. Tuy nhiên, điều này cũng có những rủi ro, nếu như phần lớn mức tăng này dựa trên nền tảng là bất động sản - ngành có giá trị tăng giảm quá mạnh, dễ dẫn tới nguy cơ bất ổn.
Trên thực tế, gần đây Ngân hàng Nhà nước cũng đang dự thảo về việc siết lại dòng vốn ngân hàng vào bất động sản, bằng cách giảm tỉ trọng các khoản vay trung và dài hạn, trong khi tăng mức độ rủi ro của các khoản vay bất động sản từ 150% lên tới 250%, như thông tư cũ chưa sửa đổi trước đây. Có lẽ hơn ai hết, ngân hàng thấm thía rõ nhất bài học đắt giá từ việc rót vốn vào bất động sản.
Việt Dũng