Thấy gì qua đợt phát hành cổ phiếu cấn trừ công nợ của SHN?
Ngày 18/5/2015, HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (Hanic – SHN) ra nghị quyết điều chỉnh danh sách các chủ nợ cấn trừ công nợ bằng cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ sắp tới. Danh sách điều chỉnh có 27 chủ nợ đồng ý cấn trừ công nợ bằng cổ phiếu, có sự thay đổi so với danh sách dự kiến đã đăng ký trước đó.
Nguyên nhân thay đổi do một số cá nhần đề nghị giảm số tiền cấn trừ công nợ bằng cổ phiếu so với thỏa thuận ban đầu. Riêng Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, SHN đã thương lượng thỏa thuận cấn trừ số công nợ trị giá 13,6 tỷ đồng, tương đương với 1,36 triệu cổ phiếu.
Thực tế, việc cấn trừ công nợ của SHN có phải là điều mà các chủ nợ mặn mà?
Căn cứ vào giá cổ phiếu làm căn cứ cấn trừ công nợ, rõ ràng các chủ nợ của SHN đang bị thiệt thòi đáng kể.
Cổ phiếu SHN tăng mạnh trong thời gian gần đây, nhưng vẫn đang giao dịch ở mức giá xung quanh 60% mệnh giá. Thế nhưng, công nợ được cấn trừ cho SHN lại theo mệnh giá cổ phiếu mà công ty này phát hành. Không khó để tính toán, các chủ nợ của SHN đã phải chịu thiệt khoảng 40% giá trị khoản nợ đối với Hanic.
Với 6,14 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành, SHN sẽ cấn trừ được số công nợ tương đương 61,4 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị thị trường của 6,14 triệu cổ phiếu nói trên, tính theo giá đóng cửa ngày 19/5 (sau khi tăng trần) là 39,3 tỷ đồng.
Có 2 lý do có thể để các chủ nợ của SHN chấp thuận cấn trừ công nợ với mức thiệt thòi như vậy.
1/ Họ kỳ vọng giá cổ phiếu SHN sẽ tăng trong thời gian tới, ít nhất tiệm cận tới mệnh giá.
2/ Cấn trừ công nợ thực ra là hoạt động “gỡ gạc” của các chủ nợ của SHN.
Với trường hợp 1, trong trường hợp lạc quan, giá cổ phiếu SHN đạt mức 10.000 đồng/cổ phiếu, việc cấn trừ công nợ coi như thành công. Thế nhưng, rủi ro đối với khoản nợ được cấn trừ này tương đối cao khi hơn 6 triệu cổ phiếu nói trên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong thời gian 1 năm. “Đêm dài lắm mộng” – sau 1 năm tính thanh khoản cũng như giá thị trường của cổ phiếu SHN như thế nào quả không dễ gì dự đoán. Nhất là khi tình hình kinh doanh của SHN hiện đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với khoản nợ khó đòi đối với công ty Beta BQP và cá nhân ông Nguyễn Anh Quân.
Với trường hợp 2, việc cấn trừ công nợ của SHN là việc “cực chẳng đã”. Gỡ gạc một chút (khoảng 60%) khoản nợ, còn hơn là mất hết khi công ty không có khả năng thanh toán.
Tính đến cuối năm 2014, theo báo cáo kiểm toán hợp nhất, nợ ngắn hạn của SHN lên tới 219 tỷ đồng, trong đó 117 tỷ đồng là nợ vay. Trong khi đó, tài sản cố định của công ty chỉ vỏn vẹn 144 tỷ đồng. Chỉ số khả năng thanh toán ngắn hạn chỉ ở mức 0,66 lần.
Báo cáo tài chính của Hanic cũng cho thấy công ty hiện có khoản nợ phải trả gần 225 tỷ đồng, gấp 11,17 lần vốn chủ sở hữu (20,1 tỷ đồng). Theo lưu ý của kiểm toán, điều này sẽ khiến khả năng hoạt động liên tục của công ty hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng trả nợ của khách hàng và thành công của đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ để cấn trừ công nợ.
Với tình hình nói trên, lý do thứ 2 có vẻ thuyết phục hơn đối với các chủ nợ của SHN. Nếu không đồng ý cấn trừ công nợ, tình hình của SHN sẽ trở nên rất xấu. Không ngoại trừ việc công ty mất khả năng thanh toán...
Việc một số chủ nợ của SHN đề nghị giảm số nợ cấn trừ xuống, vì vậy, có thể là sự hoài nghi của họ đối với khả năng tất toán khoản nợ bằng cổ phiếu, nhất là khi cổ phiếu SHN đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.
Nguồn Trí thức trẻ