Thay đổi kỳ gốc tính chỉ số sản xuất công nghiệp
Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân phải thay đổi kỳ gốc là do cơ cấu ngành kinh tế có sự thay đổi. Trong lĩnh vực kinh tế, năm 2005 công nghiệp khai khoáng chiếm tỷ trọng 30,7%, đến năm 2010 chỉ chiếm 21,3%; công nghiệp chế biến chế tạo năm 2005 chiếm 60,2%, năm 2010 tăng lên 70,9%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện cũng có sự thay đổi từ 8,1% xuống 6,7%...
Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong những năm qua cũng không ngừng thay đổi trong những năm qua cũng là yếu tố khiến Tổng cục Thống kê cho rằng cần thay đổi kỳ gốc.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, nếu tính theo kỳ gốc 2005, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 12/2012 ước tăng 5% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8% so với năm 2011.
Cơ quan này cho rằng, sản xuất công nghiệp năm nay gặp khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa được hồi phục; sức mua trong nước và nhu cầu xuất khẩu giảm nên mức tăng thấp so với một số năm trở lại đây . Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm đang bắt đầu có chuyển biến tích cực, theo đó chỉ số sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng dần, chỉ số tồn kho giảm dần .
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/12/2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,1% so với cùng thời điểm năm trước, giảm từ mức đỉnh 30,2% hồi tháng 3 và đã 6 tháng nay, chỉ số này tăng quanh mức 20%.
Lao động khu vực doanh nghiệp công nghiệp tháng 12 tăng 0,2% so với tháng trước, trong đó lao động tại TPHCM, Hải Dương, Đà Nẵng tương đương tháng 11; Đồng Nai tăng 0,6%; Bình Dương tăng 0,4%; Hà Nội giảm 0,2%; Hải Phòng giảm 0,2%; Bắc Ninh giảm 4,7%.
Tuy nhiên, nếu tính theo kỳ gốc năm 2010, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2012 so với năm 2011 tăng 6,1%, cao hơn mức tính theo kỳ gốc năm 2005 là 1,3 điểm phần trăm.
Nguồn Khampha