Thay đổi hàng loạt chính sách (P1): "Cú hích" cho thị trường bất động sản
Hàng loạt các chính sách vĩ mô quan trọng đã được ban hành trong 2 tuần qua như Thông tư 36 siết sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng và cho vay chứng khoán; các luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Đầu tư (sửa đổi), Nhà ở (sửa đổi), Kinh doanh bất động sản...
Chúng tôi xin điểm lại những thay đổi căn bản trong chính sách vĩ mô thay đổi tác động tới thị trường chứng khoán cũng như các nhóm doanh nghiệp. Ở phần đầu tiên, là các thay đổi tác động tới nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Thông tư 32/TT-NHNN "Sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN về cho vay hỗ trợ nhà ở" (gói 30.000 tỷ đồng). Thông tư có hiệu lực từ 25/11/2014.
Thông tư nhằm đẩy mạnh giải ngân gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay nhà ở: tăng thời gian vay từ 10 năm lên 15 năm; Chỉ giới hạn giá trị căn hộ là 1,05 tỷ đồng, không giới hạn diện tích 70m2 và giá bán không quá 15 triệu đồng/m2; Cho vay sửa nhà, xây nhà mới với giá trị vay tối đa là 70% giá trị xây dựng mới, cải tạo nhưng không quá 700 triệu đồng.
Tính tới tháng 10/2014, sau 17 tháng, gói 30.000 tỷ mới chỉ giải ngân được 24%.
Thông tư 36/TT-NHNN “Quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của các Tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài” có hiệu lực từ ngày 1/2/2015.
Thông từ điều chỉnh hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi cho vay kinh doanh bất động sản từ 250% xuống còn 150%, mức thấp nhất theo thông lệ.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc hạ hệ số rủi ro như vậy nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản, chứng khoán phát triển.
Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Người nước ngoài được phép sở hữu nhà tại Việt Nam sẽ bao gồm (1) các tổ chức và cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng dự án nhà ở để bán, cho thuê hoặc thuê mua; (2) doanh nghiệp thuộc sở hữu nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp nước ngoài, các quỹ đầu tư nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam (3) các cá nhân nước ngoài không yêu cầu phải có visa hoặc giấy phép làm việc lâu dài.
Theo luật cũ, chỉ những tổ chức và cá nhân nước ngoài xây nhà để bán hoặc cho thuê mới đủ điều kiện nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.
Các tổ chức và cá nhân nước ngoài hiện còn được phép mua và sở hữu căn hộ và nhà trong các dự án phát triển nhà ở thương mại. Tuy nhiên, người nước ngoài chỉ được phép mua hoặc sở hữu trên 30% tổng số căn hộ trong một dự án xây dựng nhà ở thương mại. Trong trường hợp nhà biệt thự hoặc nhà liền kề, người nước ngoài được mua hay sở hữu 250 căn trong một khu dân cư có dân số bằng dân số của một quận/xã.
Người nước ngoài được phép mua, sở hữu và cho thuê nhà và văn phòng.
Chính thức cho phép bán trước: Các doanh nghiệp bất động sản ký kết các hợp đồng bán, cho thuê và các hợp đồng liên quan đến cho thuê - mua bất động sản sẽ được xây dựng trong tương lai.
Tuy nhiên, chủ đầu tư phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh nghĩa vụ tài chính trong trường hợp không bàn giao nhà ở đúng tiến độ đã cam kết theo hợp đồng. Chủ đầu tư chỉ được thu tiền ứng trước của khách hàng khi đã xây dựng xong móng của công trình và phải được cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh kiểm tra đủ điều kiện của nhà ở được phép bán, cho thuê mua.
Đồng thời lần đầu chủ đầu tư chỉ được thu không quá 30% giá trị hợp đồng và không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà, không quá 95% giá trị hợp đồng khi bên mua, thuê mua chưa được cấp giấy chứng nhận.
Tóm lại, mặt bằng lãi suất cho vay giảm, điều kiện cho vay mua nhà được nới lỏng, tín dụng bất động sản cho ngân hàng được chủ trương đẩy mạnh và đặc biệt là chính sách cho người nước ngoài sẽ là một cú hích đối với phân khúc trung và cao cấp (vốn đang có tỷ lệ tồn kho cao) trong thời gian tới.
Nguồn DVO