Nguồn ảnh: thuongtruong
Thay đổi cơ cấu chăn nuôi: Giải pháp cho tình trạng thiếu hụt thịt lợn
Trong suốt những tháng qua, người tiêu dùng đã phải chứng kiến nhiều biến động không mong muốn đối với thị trường thịt lợn, loại thực phẩm quen dùng hàng ngày. Lượng cung liên tục giảm, càng về cuối năm giá càng có chiều hướng nhích lên. Thiếu hụt và tăng giá thịt lợn là điều khó tránh khỏi sau khi dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng trên 63 tỉnh, thành. 4,7 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Tổng đàn lợn trên cả nước đã giảm đến 18% so với thời điểm cuối năm 2018.
Vào lúc này, rất ít người chăn nuôi dám tái đàn, một phần do thiếu vốn, con giống, bên cạnh đó vẫn tồn tại tâm lý e ngại bởi dịch tả lợn châu Phi chưa có vaccine phòng ngừa. Mức độ sụt giảm lượng thịt lợn cung ra thị trường chắc chắn sẽ còn kéo dài.
Từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ còn 4 tháng, hiện nếu tái đàn lợn thì cũng không kịp bổ sung nguồn cung thịt lợn ra thị trường. Việc thiếu hụt thịt lợn chắc chắn sẽ gây áp lực không nhỏ đối với thị trường thực phẩm cuối năm. Đây cũng là lý do giải pháp tạo nguồn thực phẩm thay thế thịt lợn được đưa ra để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, đây là chuyện không dễ dàng.
Thiếu hụt và tăng giá thịt lợn là điều khó tránh khỏi sau khi dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng trên 63 tỉnh, thành. 4,7 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Nguồn ảnh: vietnamplus |
Những khảo sát thị trường cho thấy, đa số các hộ gia đình tại Việt Nam vẫn chọn thịt lợn làm nguồn cung cấp đạm động vật chính yếu. Hiện tại, sản lượng thịt gia súc có sừng như: bò, dê, cừu mới chỉ chiếm 8% tổng lượng thịt xẻ của Việt Nam. Trong khi đó, thịt lợn chiếm đến 70% và thịt gà tới 20%. Cơ cấu này cũng tương tự ở nhiều nước khu vực châu Á. Sự mất cân đối trong việc tiêu thụ các loại thịt sẽ gây áp lực lớn đối với thị trường, khi tình hình chăn nuôi lợn rơi vào ảm đạm vì dịch tả lợn châu Phi hoành hành.
Trong những cuộc họp bàn giải pháp trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, nhiều chuyên gia thị trường cũng như các cơ quan quản lý đều cho rằng đã đến lúc phải tính toán lại cơ cấu chăn nuôi, đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, cụ thể là chăn nuôi bò.
Đây vừa là hướng mở cho thị trường thịt lợn bị thiếu hụt và cũng là giải pháp cho ngành chăn nuôi Việt Nam trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng. Bộ NN&PTNT đã đưa ra mục tiêu, từ nay đến cuối năm trong cơ cấu chăn nuôi, bò thịt sẽ tăng 5% nhằm bù đắp thiếu hụt thịt lợn. Còn trong vòng 5 năm tới, chăn nuôi đại gia súc, chủ yếu là chăn nuôi bò sẽ tăng từ 10 - 15%. Kế hoạch này có thực hiện được hay không phụ thuộc vào việc phát triển đàn bò theo hướng có lợi cho người chăn nuôi, người tiêu dùng cũng không phải bỏ ra số tiền cao mới mua được thịt bò.
►Dịch tả lợn Châu Phi, ai là người hưởng lợi?
►Giá thịt lợn tăng đẩy CPI tháng 9 tăng 0,32%
Nguồn VTV