Thắt vay ngoại tệ, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó
Thông tư số 24 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định kể từ ngày 1-4, các NH không còn được cho vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh trong nước.
Thông tin này khiến nhiều doanh nghiệp (DN), cá nhân lo lắng sẽ khó tiếp cận tín dụng ngoại tệ, đặc biệt sẽ làm tăng chi phí vì vay tiền đồng lãi suất cao hơn so với vay ngoại tệ.
Cấm vay ngoại tệ bán ra lấy VNĐ
Trả lời thắc mắc của báo chí về việc tại sao lại thu hẹp nhóm đối tượng là các công ty có nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, lý giải trước đây để khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình kinh tế khó khăn, NHNN đã cho phép được vay ngoại tệ rồi bán lấy tiền đồng để mua máy móc, thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Sau đó xuất khẩu hàng hóa lấy ngoại tệ trả nợ. Đây là một trong các giải pháp hỗ trợ DN, bởi lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn nhiều so với lãi suất vay VNĐ.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình kinh tế đã ấm hơn, tín dụng tăng trưởng tốt nên NHNN thắt lại việc cho vay ngoại tệ với những đối tượng này. “Đối tượng vay ngoại tệ cần thu hẹp lại, chỉ phục vụ đúng đối tượng cần ngoại tệ. Mặt khác, việc dừng cho vay ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước sẽ góp phần ổn định thị trường ngoại hối, qua đó cũng tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng đồng tiền Việt Nam” - ông Dũng giải thích.
Nói thêm về Thông tư 24, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho rằng đây là một trong các giải pháp để chống đôla hóa nền kinh tế. “Nhóm đối tượng trên thường vay ngoại tệ để bán lại cho các ngân hàng lấy VNĐ, qua đó hưởng lãi suất thấp. Còn việc vay, mua USD đối với đối tượng là các công ty hay cá nhân vẫn được đáp ứng theo quy định của pháp luật” - ông Minh nói.
Nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương chống đôla hóa của NHNN, tuy vậy chủ trương này cũng gây lo lắng cho không ít DN, nhất là các đơn vị xuất khẩu. Đại diện một công ty xuất khẩu nói khi không được vay ngoại tệ, nhiều DN sẽ phải vay tiền đồng. Trong khi đó lãi suất tiền đồng lại cao hơn lãi suất vay USD, dẫn đến chi phí vay vốn tăng lên, từ đó làm giá thành hàng xuất khẩu bị đội lên, khả năng cạnh tranh với đối thủ nước ngoài giảm.
Các NH thương mại liệu có bị ảnh hưởng bởi thông tư trên? Chuyên gia tài chính ngân hàng, ông Cấn Văn Lực, đánh giá thông tư trên sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến NH vì hiện nay tín dụng ngoại tệ của NH chiếm tỉ lệ khá nhỏ, khoảng 10%-12%. Do vậy, NHNN muốn tiếp tục giảm tỉ lệ này xuống là phù hợp với lộ trình chống đôla hóa.
Chia sẻ với doanh nghiệp
Làm sao để tạo điều kiện cho các công ty xuất khẩu và hài hòa lợi ích giữa DN với mục tiêu chống đôla hóa? TS Cấn Văn Lực gợi ý một số giải pháp. Thứ nhất là hệ thống NH thương mại cần phải xác định đối tượng hợp lý để cho vay ngoại tệ, từ đó đề xuất NHNN tiếp tục cho vay. Đồng thời, NHNN cũng cần phải thẩm định nhanh chóng đề xuất của các NH thương mại để tránh tình trạng các DN phải chờ quá lâu làm mất cơ hội kinh doanh.
Thứ hai là với những tình huống phát sinh, chẳng hạn có những trường hợp 50-50, tức nếu soi vào quy định thì phù hợp với đối tượng được vay nhưng nếu “hiểu cách khác” có thể chưa rõ ràng, NH thương mại và NHNN phải ngồi lại với nhau để thống nhất quan điểm cũng như cách phân loại đối tượng để cho vay.
Trong khi đó, ông Trần Tấn Lộc, Phó Tổng Giám đốc EximBank, cho rằng Thông tư 24 là quy định mang tính tích cực nhằm ổn định thị trường ngoại hối và nâng cao vị thế tiền đồng. “Tuy vậy, để vừa thực thi đúng theo quy định của NHNN mà vẫn chia sẻ được khó khăn với DN, chúng tôi sẽ xem xét cho họ vay tiền đồng với lãi suất tương đối cạnh tranh và hợp lý”.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, “mách nước”: Nếu biến động tỉ giá dưới 3% thì các công ty chịu đựng được, nếu vượt quá 3% thì NH nên chia sẻ với DN. Với cách thức này, DN vay kỳ hạn càng ngắn càng đỡ rủi ro.
TS Hiếu cũng cho rằng Chính phủ nên có những chương trình để hỗ trợ các công ty xuất khẩu, vì họ thu ngoại tệ cho đất nước. Chẳng hạn có gói tín dụng cho vay với lãi suất thấp để hỗ trợ các công ty xuất khẩu.
Huy động ngoại tệ giảm Từ cuối năm 2015, NHNN quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD còn 0%. Từ ngày 4-1-2016, cơ quan này áp dụng cơ chế tỉ giá trung tâm thay đổi linh hoạt hằng ngày. Động thái này khiến thị trường ngoại tệ dần ổn định. Tuy vậy, sau khi hạ lãi suất huy động USD về 0%, trên thị trường vẫn có tình trạng găm giữ ngoại tệ. Bên cạnh đó các NH cũng khó khăn trong việc huy động ngoại tệ. Đến ngày 23-3 vừa qua, huy động ngoại tệ giảm 2,3% so với đầu năm 2016. Theo Thông tư 24, một số nhóm đối tượng được tiếp tục vay ngoại tệ gồm: Nhóm thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay; nhóm cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia; nhóm vay ngắn hạn đối với công ty đầu mối nhập khẩu xăng dầu. |
Nguồn PLO