Chưa chú trọng
Thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cho thấy, từ năm 2007 đến nay thuốc lá nhập lậu không ngừng gia tăng chiếm tới 18 - 22% thị phần tiêu thụ thuốc lá nội địa. Nếu như năm 2007, có khoảng 630 triệu bao thuốc lá nhập lậu vào nước ta thì đến năm 2012, có số lên tới trên 900 triệu bao.
Hiện thị trường Việt Nam có hơn 100 nhãn hiệu thuốc lá nhập lậu, trong đó chủ yếu 2 nhãn hiệu Jet và Hero chiếm tới 90%. Năm 2013, dự kiến khoảng 930 triệu bao thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam thì có tới 303 triệu bao nhãn hiệu Jet; 429 triệu bao nhãn hiêu Hero; khoảng 35 triệu bao nhãn hiệu Esse, còn lại là các nhãn hiệu khác.
Ông Phạm kế Nghiệp – Chủ tịch VTA cho rằng: Dưới sự chỉ đạo tập trung của Ban chỉ đạo 127 TW các lực lượng chức năng quản lý nhà nước như: Biên phòng, hải quan, cảnh sát, QLTT… đã triệt phá nhiều tổ chức buôn lậu. Tuy nhiên, kết quả còn ở mức độ khiêm tốn, trung bình mỗi năm bắt giữ và tiêu hủy hơn 1% lượng thuốc lá nhập lậu.
Lý giải tình trạng khiến 99% lượng thuốc lá nhập lậu vẫn thẩm lậu qua biên giới và tiêu thụ trên thị trường, nhiều cơ quan chức năng phân tích, do lợi nhuận từ buôn thuốc lá ngoại lớn hơn gần 30 lần so với kinh doanh thuốc lá hợp pháp nên các đối tượng không từ thủ đoạn nào để buôn bán mặt hàng này.
Theo ông Đỗ Thanh Lam- Phó Cục trưởng Cục QLTT: Nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận nhân dân đối với một số loại thuốc lá điếu ngoại nhập lậu (chủ yếu là Jet, Hero, Esse, Malboro…) còn cao do các mặt hàng này có giá phù hợp và đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, trung bình lợi nhuận mỗi bao thuốc lá lậu Jet, Hero bán được từ 5.000 đồng - 6.000 đồng/bao so với 200 đồng/ bao khi kinh doanh hợp pháp.
Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Phạm kế Nghiệp, nguyên nhân công tác chống buôn lậu thuốc lá nhiều năm qua vẫn không hiệu quả còn nằm ở chỗ công tác kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này này chưa được thường xuyên và đồng bộ. Chế tài đã có, nhiều phương án, chuyên đề đã được các lực lượng chức năng đưa ra nhưng việc thực thi còn rất hạn chế. Công tác phòng ngừa đấu tranh của các lực lượng chức năng chưa thường xuyên. Quan trọng hơn cả là chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt vào cuộc.
“Nếu chính quyền địa phường chưa thực sự quyết liệt với mặt hàng cấm này, thì với lợi nhuận khổng lồ các đối tượng vẫn sẽ tìm mọi cách lách luật, xé lẻ để vận chuyển vào nội địa”.- ông Nghiệp phản ánh.
Theo ông Trinh Văn Ngọc- Cục phó Cục QLTT: Khi nhận thấy nạn thuốc lá lậu là vấn đề quan trọng liên quan đến thất thu ngân sách mỗi năm hơn 4.000 tỷ đồng, chảy máu ngoại tệ hơn 200 triệu USD, ảnh hưởng tới việc làm, đời sống của hàng ngàn người lao động và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất trong nước thì cơ quan chức năng phải đặt nó vào mặt hàng trọng điểm. Các cơ quan chức năng: Bộ Công Thương, Bộ Công an… đều đã có chỉ đạo quyết liệt nhưng các cấp, các ngành ở các địa phương vẫn chưa xác định đấy là mặt hàng trọng điểm nên chưa phát huy cao độ, chưa phát huy sức mạnh tổng hợp. Thậm chí nhiều địa phương, phương án vẫn chỉ nằm trên giấy.
Tập trung phá đường dây, ổ nhóm
Ông Fernandez de Barrena- Tổng giám đốc văn phòng đại diện Inperial Tobacco tại Việt Nam- cho rằng, vấn đề chống buôn lậu thuốc lá của Việt Nam cần được cải thiện. Chính phủ, cơ quan chức năng và ngành thuốc lá cần gắn kết chặt chẽ với nhau cùng chiến đấu với thuốc lá lậu. “Việc tăng thuế thuốc lá chỉ mang lại lợi ích một phía cho ngân sách nhà nước; còn chống thuốc lá lậu mang lại lợi ích “kép” cho cả nhà nước và ngành công nghiệp thuốc lá” - ông Fernandez nhấn mạnh.
VAT cũng khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần hiệp thương với các Chính phủ bạn nhất là Campuchia, Lào giúp Việt Nam ngăn chặn theo hình thức tạm nhập, tái xuất. Đồng thời thuế tiêu thụ của các quốc gia có chung biên giới với Việt Nam phải tương đồng để tránh tình trạng thuế suất thấp, giá rẻ thuốc lá lậu sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam.
Ông Trương Quang Hoài Nam- Cục trưởng cục QLTT- Thường trực ban chỉ đạo 127 TW cho biết: Thuốc lá nhập lậu được coi là mặt hàng trọng điểm trong công tác chống buôn lậu. Vì vậy, trong quý 4/2013 và trong năm 2014 việc chống buôn lậu thuốc lá sẽ là trọng điểm của QLTT. Các lực lượng chức năng phối hợp với các chính quyền địa phương kiên quyết triệt phá các đường dây, ổ nhóm, đặc biệt là các đầu nậu.
Bên cạnh đó, các lực lượng cần tăng cường kiểm soát nội địa, phạt nặng những người buôn bán thuốc lá lậu, cho dù một gói. Khi thị trường trong nước không chấp nhận thì lúc đó thuốc lá lậu sẽ không có đất sống.
Nguồn Báo Công thương