Thất nghiệp trá hình
→Bloomberg: Ở Việt Nam, học vấn càng cao càng dễ thất nghiệp
Dường như đầu tàu kinh tế đã tìm ra chiếc chìa khóa giải đáp vấn đề tồn tại nhiều năm nay trong nền công vụ Việt Nam.
Thất nghiệp trá hình
Gánh nặng chi thường xuyên lên tới hơn 800.000 tỉ đồng khiến cho dù không muốn, việc tinh giản biên chế vẫn phải được thực hiện. Đã có những kết quả đầu tiên. Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, tổng số đối tượng đã tinh giản biên chế trong 2 năm 2015 và 2016 là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế, đạt 0,83%.
Trước tiên, phải thừa nhận rằng, kết quả nói trên là rất khiêm tốn. Theo tính toán của các chuyên gia về hành chính công, trong một năm, số người ra khỏi nền công vụ và chuyển công việc vào khoảng 1-1,5% tổng biên chế. Vì vậy, mục tiêu giảm 1% công chức, viên chức một năm là mức an toàn, có thể đạt được.
Thế nhưng, sau nhiều năm giảm mà biên chế lại phình lên, thậm chí có những giai đoạn còn tăng gấp đôi, không ít người đã hoài nghi về chủ trương này. Bỏ qua các khuất tất, tiêu cực, vì thêm một vị trí biên chế là thêm người, bớt việc, quyền lãnh đạo tăng tương ứng trong khi mức lương không giảm, những vị lãnh đạo không dại gì mà không xin tăng thêm biên chế.
Theo Tổng cục Thống kê, 15 ngày đầu năm, ngân sách nhà nước đã thâm hụt 18.400 tỉ đồng. Mặt khác, cũng chưa có lời đáp thỏa đáng cho chuyện loại nhầm người tài gây tranh cãi về việc nên hay không nên cào bằng chỉ tiêu biên chế ở các phòng ban tương đương. Khó có thể đòi hỏi các vị trí quản lý từ cấp vụ trở xuống quan tâm tới thực trạng thủ tục hành chính ngày càng nghiêm trọng, đồng hành với độ phình lên của số lượng công chức, viên chức hay thành thật về nhu cầu nhân sự của mình. Thêm vị trí công vụ, thêm nguy cơ tham nhũng, nhưng chuyện đó cũng không thuộc phạm vi xử lý của họ.
Nói như vậy sẽ thấy, thành tựu bớt được 0,83% tổng biên chế sau 2 năm không chỉ mang ý nghĩa động viên. Dù chưa đạt tỉ lệ thông thường “2 ra, 1 vào”, con số trên chứng tỏ, Việt Nam có thể giảm biên chế. Đã đến lúc, người ta không dám và cũng không thể đặt hàng đầu các mối tư lợi mà lơ là nhiệm vụ đã được quán triệt từ cấp lãnh đạo cao nhất. Quan trọng hơn, phải đến lúc này, mới có thể bàn tiếp về những biện pháp giúp chủ trương giảm biên chế thực chất và hiệu quả hơn.
Trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Đinh Sơn Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cho rằng, phải nhìn thẳng vào tình trạng “thất nghiệp trá hình” trong bộ máy công quyền Việt Nam. Đây là khái niệm được nhà kinh tế học người Anh Joan Robinson đưa ra để diễn tả tình huống một công nhân không làm công việc tương xứng với khả năng. Tình trạng này trong guồng máy hành chính thể hiện thực trạng nhiều vị trí công chức, viên chức không có đủ việc làm. Ngoài lãng phí về cơ sở hạ tầng, chi phí lương..., điều nguy hại hơn là bộ phận này tự vẽ ra công việc cho mình, khiến nhiều khi bộ máy hành chính trở thành hành... là chính. Tình trạng đó khiến bộ máy công quyền vừa cồng kềnh, vừa quan liêu vừa kém hiệu quả.
Vậy làm thế nào để nhận diện công chức, viên chức “thất nghiệp trá hình”? Nhiều giải pháp đã được đưa ra. Cách đây vài năm, một địa phương đã yêu cầu công chức, viên chức phải tự xác định vị trí, tương ứng với công việc, coi như một căn cứ để đánh giá hiệu quả bộ máy hành chính. Tuy nhiên, ngoài việc tự vẽ ra công việc khiến thủ tục hành chính thêm rườm rà, không có những tiêu chuẩn đối sánh khiến cho yêu cầu trên trở thành một dạng... hình thức.
Quyết tâm loại bỏ các cán bộ 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Như cách nói của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Thành Can, Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý Nhân sự, Học viện Hành chính
Quốc gia khi trao đổi với NCĐT, “nền công vụ thương nhau” khiến cho không ai nỡ đánh giá bạn bè, đồng nghiệp đến mức mất kế mưu sinh. Chính sách trên không đạt được tác dụng thực tế dù rằng theo vị chuyên gia, “thương nhau thế cũng bằng hại nhau”.
Cả hai vị chuyên gia đều đồng thuận, chìa khóa để giải quyết vấn đề tinh giản biên chế nằm ở việc xác định số lượng nhân sự và yêu cầu công việc tương ứng với từng vị trí. Và cải cách chế độ tiền lương theo hướng đảm bảo cán bộ có thu nhập đủ sống và theo hiệu quả công việc. Tất nhiên, từ định hướng chung tới việc áp dụng hiệu quả trong thực tiễn vẫn còn một khoảng cách rất xa.
TP.HCM có là điểm sáng?
Trong khi cả nước vẫn loay hoay giải bài toán biên chế, TP.HCM đã có những bước đi táo bạo. Đầu tàu kinh tế của cả nước tuyên bố những mục tiêu cụ thể trong tinh giản biên chế. Theo tờ trình của Sở Nội vụ TP.HCM, từ nay đến năm 2021 sẽ giảm từ 1,5-2% biên chế công chức và số lượng người làm việc được giao. Tương ứng, mỗi năm TP.HCM sẽ giảm khoảng 2.000 công, viên chức. Đồng thời, địa phương này sẽ chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế sự nghiệp vượt quá số lượng.
Cùng với quyết tâm trên, TP.HCM đã chính thức gửi đề xuất cải cách tiền lương lên các cơ quan trung ương, trong đó, bày tỏ mong muốn tính toán lại việc trả lương cán bộ, công chức, viên chức gắn với hiệu quả công việc. Để thực hiện được đồng thời 2 mục tiêu trên, TP.HCM không có cách nào khác ngoài hành động. Thứ nhất, phải định ra số lượng công, viên chức phù hợp cho từng cơ quan, đơn vị. Thứ 2, xác định rõ số lượng, yêu cầu và cách thức đánh giá chất lượng công việc tương ứng với từng vị trí nhân sự. Muốn vậy, TP.HCM phải xây dựng được bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá rất cụ thể.
Rắc rối không kém là phương án xử lý các nhân sự dôi dư. Làm thế nào để hợp tình, hợp lý, công khai, minh bạch, tôn trọng ý kiến của các đương sự có liên quan? Chính sách, chế độ đền bù, hỗ trợ, tạo điều kiện để họ tìm công việc mới đảm bảo thu nhập cũng cần được quan tâm, đầu tư thích đáng. Việc này sẽ không vấp phải trở ngại nếu nền kinh tế TP.HCM phát triển thật, có khả năng tạo ra đủ công ăn việc làm cho cả nhóm lao động vừa ra khỏi bộ máy công quyền này.
Rõ ràng, để trở thành điểm sáng, tấm gương trong nhiệm vụ tinh giản biên chế, ngoài quyết tâm thật sự, TP.HCM phải đương đầu với nhiều nhiệm vụ khó khăn. Về phần mình, Tiến sĩ Đinh Sơn Hùng nhận xét: “Chúng ta hãy cứ hy vọng nhưng cũng phải kiên nhẫn để chờ đợi những kết quả của hy vọng đó".