Ngành dệt may sẽ thêm khó khăn, nếu Việt Nam bị coi là “cửa ngõ” để hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ. Ảnh: Tự Trung.
Thấp thỏm thuế dệt may
Buổi họp báo cuối năm của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đông hơn mọi khi, thu hút không chỉ các phóng viên theo dõi ngành mà còn cả phóng viên kinh tế trong nước và quốc tế. Hầu hết câu hỏi tập trung vào xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ, vốn là thị trường trọng tâm của ngành dệt may. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, đã nhận gần 10 câu hỏi xoay quanh phản ứng của các doanh nghiệp dệt may nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump tăng thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Phần trả lời của ông Vũ Đức Giang khá lạc quan khi cho rằng giả định tăng thuế 10-20% với hàng nhập từ các nước, riêng Trung Quốc lên đến 60% sẽ “không xảy ra trong 2 năm đầu” nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Hơn nữa, Mỹ không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam, mà ở chiều ngược lại, cũng là nguồn cung cấp bông lớn nhất cho thị trường Việt Nam. Năm 2023 Việt Nam đã chi hơn 912 triệu USD để mua bông của Mỹ. Ông tin rằng việc ông Donald Trump đắc cử là cơ hội để tăng xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này, bù đắp cho thị trường EU, nơi ngày càng đòi hỏi cao về tiêu chuẩn sản xuất và xanh hóa.
Những người lạc quan như ông Giang đều cho rằng, các năm tới Mỹ sẽ bỏ ra nhiều tiền hơn con số 16 tỉ USD của năm 2024 để mua hàng dệt may Việt Nam, bởi động thái tăng thuế lên Trung Quốc sẽ thúc đẩy các nhà mua hàng nước Mỹ tìm kiếm nguồn cung ngoài Trung Quốc, như Việt Nam.
Dữ liệu của Văn phòng Dệt May Mỹ (OTEXA) cho thấy xu hướng đa dạng hóa nguồn cung ứng từ châu Á của các công ty Mỹ do lo ngại địa chính trị ngày càng tăng, đặc biệt là sự cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung. Năm 2023, xét về giá trị, chỉ 71,6% lượng hàng may mặc nhập khẩu của Mỹ đến từ châu Á, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.
Nhưng ở phần kém lạc quan hơn, nhiều người lo ngại dệt may Việt Nam, vốn có đầu ra phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ, sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách thương mại mới của chính quyền Donald Trump. Nếu Mỹ tăng thuế, xu hướng FDI từ Trung Quốc sang các quốc gia trong khu vực Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ tiếp tục gia tăng. Ngành dệt may sẽ thêm khó khăn, nếu Việt Nam bị coi là “cửa ngõ” để hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ. Khi đó, chính quyền Mỹ có thể sử dụng các công cụ thương mại để ngăn chặn lỗ hổng này và áp thuế cao hơn lên hàng dệt may từ Việt Nam. Quan ngại này là có cơ sở, bởi vào tháng 5/2024 Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để dẫn đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc vào Mỹ.
Tại Việt Nam, nguồn cung thiếu hụt, tiêu chuẩn kép của thị trường nhập khẩu và nguồn nhân lực chất lượng cao đang là 3 thách thức lớn nhất, làm giảm khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu sang Mỹ và cản trở ngành dệt may tiếp cận mục tiêu xuất khẩu 47-48 tỉ USD trong năm 2025. Tuy nhiên, những thách thức này đều ít nhiều có sự đón đầu của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam. Tháng 3 năm nay, SAB Việt Nam, công ty thuộc Tập đoàn Weixing của Trung Quốc, đã chính thức vận hành nhà máy trị giá 62 triệu USD, sản xuất nguyên phụ liệu tại tỉnh Thanh Hóa, với mục tiêu “giảm thiểu sự phụ thuộc của ngành may vào các phụ kiện lâu nay đang phải nhập khẩu từ nước ngoài”.
Tình trạng thiếu lao động trong sản xuất dệt may ngày càng trầm trọng khi Việt Nam có tới 3.500 dự án FDI trong lĩnh vực dệt may, theo VITAS. Chỉ cách đây vài tháng, SAB Việt Nam đã tuyển dụng hơn 1.000 lao động cho nhà máy sản xuất phụ kiện dệt may tại Thanh Hóa. Quy mô hơn 40.000 lao động đã được Tập đoàn Crystal, Hong Kong (Trung Quốc) huy động nhằm phát triển mô hình chuỗi dệt may khép kín, phủ khắp các tỉnh Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Phú Thọ và Bình Dương, theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định. Sản phẩm của Crystal chủ yếu phục vụ các thương hiệu Victoria’s Secret, Uniqlo và các nhãn hàng bán lẻ của Mỹ.
Tiêu dùng tại Mỹ đang trên đà phục hồi, nhưng các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng việc Mỹ áp thuế cao lên hàng dệt may Trung Quốc có thể khiến người tiêu dùng Mỹ giảm nhu cầu mua sắm do quá đắt đỏ, khiến các công ty thời trang Mỹ đẩy mạnh xu hướng giảm đặt hàng với Trung Quốc. Thế nhưng, Trung Quốc sẽ vẫn là một trong những nguồn cung chính, bởi sản phẩm có tính đa dạng và cạnh tranh cao, vốn là lĩnh vực mà rất ít quốc gia có thể sánh ngang. Năm 2023, khoảng 20% giá trị nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ và 25,9% về số lượng đến từ Trung Quốc.
Một yếu tố có thể được xem xét là việc Việt Nam và Mỹ đã nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 11 năm ngoái, thúc đẩy một số tập đoàn lớn của Mỹ trong đó có Walmart đã thông báo tìm kiếm, mở rộng mạng lưới nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Khi đó, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết các nhà mua hàng ở Mỹ xác định Việt Nam là nguồn cung ứng quan trọng, khi các nhà mua hàng Mỹ muốn đa dạng chuỗi cung ứng. Việt Nam cũng có cơ hội để trao đổi với Mỹ về khả năng áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, trong đó có dệt may.
Chính phủ Mỹ vẫn cần thời gian để đưa ra mức thuế suất mới lên các nước và Trung Quốc, dự kiến áp dụng trong nửa cuối năm 2025 hoặc năm 2026. Khoảng thời gian này là cơ hội cho ngành dệt may điều chỉnh lại chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường, đơn hàng và sản phẩm.