Thanh tra việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng
Đối với tái cơ cấu đầu tư công, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn thiện quy định quản lý đầu tư công; phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn 2013-2015; ưu tiên vốn ngân sách để tham gia các dự án hợp tác công - tư (PPP), vốn đối ứng ODA, kinh phí giải phóng mặt bằng.
Xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nhà nước, trình Chính phủ trong quý II/2013. Xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về các dự án đầu tư nhà nước.
Các Bộ, cơ quan, địa phương thực rà soát lại các công trình đầu tư dở dang đang bị giãn, hoãn tiến độ, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nhằm khắc phục tình trạng dàn trải, kém hiệu quả trong phân bổ và sử dụng vốn đầu tư.
Đối với tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phân loại, chấn chỉnh, sắp xếp lại các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, trước hết là các tổ chức tín dụng yếu kém, vi phạm quy định.
Đẩy mạnh cổ phần hoá các ngân hàng thương mại nhà nước; kiểm soát chất lượng tín dụng và giảm nợ xấu; tiến hành rà soát, củng cố các hoạt động kinh doanh chính, từng bước thoái vốn đầu tư vào những ngành, lĩnh vực phi tài chính hoặc lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro.
Rà soát, đánh giá, phân loại các ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính để có phương án xử lý thích hợp, tập trung trước hết vào các tổ chức tín dụng yếu kém, các tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật; giám sát quá trình xây dựng phương án và triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt tại các tổ chức tín dụng.
Tập trung xử lý nợ xấu, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để nâng cao chất lượng, giảm thiểu rủi ro tín dụng; Đẩy mạnh thanh tra, giám sát, tập trung vào các lĩnh vực: thực trạng tài chính, sở hữu; chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu, vốn góp; hoạt động quản trị, điều hành; hoạt động cấp tín dụng; hoạt động kinh doanh ngoại tệ, vàng; trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro; chấp hành quy định an toàn hoạt động ngân hàng, quy định về lãi suất; hoạt động phòng, chống rửa tiền.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm thông qua cơ cấu lại các sản phẩm trên thị trường; cơ cấu lại nhà đầu tư; sắp xếp lại và nâng cao năng lực tổ chức kinh doanh trên thị trường; bảo đảm chuẩn mực công bố và minh bạch hóa thông tin. Có giải pháp bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ, tăng cường hiệu lực, chế tài thực thi trên thị trường chứng khoán.
Đối với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ yêu cầu các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đẩy mạnh cổ phần hoá và tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.
Thực hiện theo lộ trình việc thoái vốn nhà nước đã đầu tư ngoài ngành, thoái vốn nhà nước ở công ty cổ phần nhà nước không cần chi phối, trước mắt là trong các lĩnh vực: xây dựng, thương mại, viễn thông, xuất bản, xổ số kiến thiết, cấp thoát nước, môi trường đô thị, thuỷ nông, quản lý sửa chữa đường bộ, đường sắt, đường thủy...
Nguồn Khampha