Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm trong 7 hoạt động tại Kho bạc Nhà nước
Về điều tiết thu ngân sách nhà nước, qua thanh tra tại KBNN 8 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Tĩnh, Nghệ An, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk và Sở giao dịch cho thấy, một số trường hợp hạch toán và điều tiết thu ngân sách nhà nước (NSNN) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương không đúng theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hưỡng dẫn thi hành.
Tổng số tiền điều tiết không đúng là 130,157 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương là 111,391 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 38,766 tỷ đồng.
Ngoài KBNN 8 tỉnh, thành phố và Sở giao dịch Thanh tra Chính phủ kiểm tra trực tiếp nêu trên, qua kiểm tra trên báo cáo thu NSNN của KBNN, còn có một số tỉnh, thành phố điều tiết một số khoản thu ngân sách sai quy định. Số tiền điều tiết không đúng từ năm 2010 đến tháng 6/2012 là 78,496 tỷ đồng. Trong đó, điều tiết không đúng so ngân sách trung ương là 66,568 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 11,928 tỷ đồng.
Việc hạch toán không đúng này không ảnh hưởng đến việc điều tiết ngân sách các cấp nhưng nó phản ánh thông tin sai lệch về hoạt động của các ngành kinh tế quốc dân thông qua số liệu thu ngân sách nhà nước, từ đó có thể dẫn tới việc đưa ra những chính sách, quyết định không chuẩn xác khi điều hành nền kinh tế vĩ mô.
Về tạm ứng vốn KBNN, tại KBNN TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu việc tạm ứng vốn KBNN chưa thực hiện đúng về thủ tục, hồ sơ tạm ứng. Một số tỉnh, thành phố phân bó vốn tạm ứng cho các dự án không có trong danh mục dự án khi đề nghị tạm ứng đã được phê duyệt, điều chỉnh số vốn tạm ứng, không phân bổ vốn theo danh mục dự án...
Về quản lý, điều hòa vốn, một số đơn vị thuộc KBNN chưa thực hiện hoặc chưa thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý, điều chuyển vốn, tại một số thời điểm có những đơn vị số dư tiền gửi cao hơn định mức tồn quỹ tối thiểu nhưng vẫn được điều chuyển vốn đến. Việc tính và thu lãi tiền gửi còn những sai sót như tính nhầm số dư, tính thiếu ngày hưởng lãi.
Tại KBNN TP.HCM đã không thực hiện kiểm tra đối chiếu số lãi phải thu với số lãi đã thu với KBNN quận, huyện nên xác định không đúng số lãi phải thu về KBNN TPHCM.
Việc áp dụng lãi suất tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng thương mại chưa thống nhất, thậm chí trong cùng hệ thống ngân hàng thương mại trên cùng địa bàn và cùng một thời điểm thì lãi suất áp dụng cũng khác nhau.
Về kiểm soát chi ngân sách Nhà nước qua KBNN, Thanh tra cho biết một số trường hợp còn thiếu hồ sơ, giải ngân chưa đúng các điều khoản trong hợp đồng, chưa kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền tạm ứng và thu hồi tiền tạm ứng theo quy định...
Một số chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp, đơn vị tư vấn đã vi phạm quy định về đấu thầu, thanh toán không đúng các chi phí, ký hợp đồng không đúng, thanh toán không đúng...
Việc mua sắm ô tô cũng vi phạm quy định về lựa chọn nhà thầu, mua xe không đúng đối tượng, định mức quy định.
Về quản lý các quỹ tài chính nhà nước, Thanh tra cho biết KBNN TPHCM và Yên Bái chưa thực hiện trích bổ sung Quỹ dự trữ tài chính từ nguồn kết dư ngân sách, UBND một só tỉnh, thành phố chưa có biện pháp hữu hiệu để thu hồi và xử lý những vi phạm.
Tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk chưa thực hiện việc chuyển các khoản thu từ cổ phần hóa về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp do Bộ Tài chính quản lý (nay là chuyển về SCIC), đã để lại sử dụng quỹ khi chưa được Bộ Tài chính phê duyệt.
Về thu nộp các khoản tạm thu, tạm giữ, Hà Nội và Nghệ An chậm xử lý nộp và NSNN các khoản tạm thu phạt vi phạm hành chính, phạt an toàn giao thông vào NSNN theo quy định.
Về chi nội bộ tại Văn phòng KBNN, Thanh tra kết luật một số khoản chi chưa đúng với tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định của Nhà nước và Quy chế chỉ tiêu nội bộ của KBNN như chi họp ngoài giờ, quà tặng, bồi dưỡng, chi gặp mặt sai quy định... Việc mua sắp tài sản không thực hiện đấu thầu, mua máy móc thiết bị văn phòng không đúng.
Một số kiến nghị biện pháp xử lý của Thanh tra
Thanh tra Chính phủ yêu cầu KBNN nộp về tài khoản tạm giữ của Thanh tra để chờ xử lý khoản tiền lãi tính thiếu của Quỹ dự trữ tài chính TW trong giai đoạn từ 2004 - 2009 là 4,492 tỷ đồng.
Yêu cầu KBNN Yên Bái thu hồi 800 triệu đồng tiền tạm ứng cho Công ty CP ô tô Mỹ Đình mua Máy xúc đào thủy lực bánh lốp tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái.
Yêu cầu Chủ tịch UBND TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk nộp tiền thu từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước về SCIC thuộc Bộ Tài chính. Trong đó, TPHCM là 405,554 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu là 52,667 tỷ đồng, Đắk Lắk là 23,06 tỷ đồng.
Thanh tra cũng yêu cầu KBNN thu hồi về số tiền vi phạm về việc sử dụng tiền tạm ứng để bồi thường, giải phóng mặt bằng là 6,177 tỷ đồng. Số tiền vi phạm khác là 980 triệu đồng.
Ngoài ra, KBNN được yêu cầu phải giảm trừ giá trị thanh toán do vi phạm về chi phí tư vấn và chi phí quản lý dự án 2,32 tỷ đồng; giảm trừ giá trị thanh toán do vi phạm về dự toán, đơn giá, khối lượng là 11,82 tỷ đồng; một số trường hợp vi phạm khác là 503 triệu đồng.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo KBNN tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc KBNN thời kỳ thanh tra trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động của KBNN để xảy ra những sai phạm nêu trong kết luận thanh tra.
Kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý việc ứng trước kế hoạch vốn và giải ngân cho Dự án xây dựng trụ sở Bộ Nội Vụ đã quyết toán từ năm 2011 nhưng chưa bố trí kế hoạch vốn với số tiền 291 tỷ đồng.
Với Bộ Giao thông Vận tải, Thanh tra kiến nghị Bộ tiến hành kiểm tra giá trị khối lượng phát sinh nguyên nhân do Tổng công ty tư vấn, thiết kế giao thông vận tải khảo sát không đúng quy trình đối với gói thầu số 2 "Nạo vét luồng và vũng quay tàu" thuộc Dự án đầu tư xây dựng cảng Vũng Áng giai đoạn 2. Qua kiểm tra nếu phát hiện việc nghiệm thu, thanh toán không đúng thực tế phát sinh hoặc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra, xử lý.
Nguồn Theo DVO