Ảnh: QH.
Thanh toán dịch vụ công trực tuyến: Đa lợi ích nhưng còn thiếu đồng bộ
Thanh toán công không tiền mặt: nhiều lợi ích
Chị Ánh Xuân – quận 1 cho biết: “Trước đây tôi làm kế toán, thường phải đi đến cơ quan thuế để đóng thuế, vừa mất thời gian lại mệt mỏi vì phải lấy số, chờ đợi. Nhưng sau này, lựa chọn hình thức đóng thuế online, tôi thấy đỡ phiền phức nhiều hơn, không tốn thời gian, công sức đi lại mà cũng thoải mái hơn”.
Tương tự chị Thanh – quận 2 cho biết trước đây tất cả những việc như đóng tiền điện nước, đóng thuế cho doanh nghiệp, hay đóng tiền học phí cho con đều dùng tiền mặt. Công việc bận rộn mà cứ chạy đi chạy lại mất rất nhiều thời gian. Trong khi giờ đây, chị chỉ cần ngồi nhà cũng thanh toán được các chi phí qua điện thoại, ứng dụng.
Theo thống kê cho thấy, thanh toán công qua ngân hàng đang được đẩy mạnh. Hiện có khoảng 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với ngành thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước. 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử. 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian phối hợp thu tiền điện; 100% cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai đề án phối hợp với ngân hàng để nhờ thu hộ tiền khám chữa bệnh; số người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân chiếm khoảng 21% số người hưởng các chế độ BHXH...
Không chỉ trả lương qua thẻ, mua sắm, ăn uống quẹt thẻ mà ngay cả những dịch vụ công như nộp thuế, học phí, trả viện phí… qua thẻ ATM, POS, QR CODE cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Nghị quyết 02 yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường... ở đô thị phải phối hợp với ngân hàng để thu chi phí dịch vụ bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Thanh toán công không tiền mặt không chỉ mang lại lợi ích cho người sử dụng mà con giúp giảm lượng tiền mặt lưu thông trong xã hội, giúp các cơ quan hành chính công giảm áp lực, tiết giảm chi phí… nhưng vẫn kiểm soát được tình trạng thất thu 1 cách hiệu quả hơn nhờ vào ứng dụng công nghệ.
Thanh toán trực tuyến ngày càng phổ biến hơn. Ảnh: asia.Nikkei.com |
Vẫn còn thiếu đồng bộ
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết việc đẩy mạnh thanh toán công trực tuyến là xu hướng trong xã hội hiện đại ngày nay. Ở các nước trên thế giới, hình thức này rất phổ biến. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì cũng chỉ mới nhen nhóm chứ chưa hoàn toàn ứng dụng 100% trong hoạt động công.
►Thẻ tín dụng đang thất thế trong cuộc đua thanh toán không tiền mặt ở châu Á
►Thanh toán điện tử đang bùng nổ tại Việt Nam
►Thanh toán không tiền mặt: Cờ đã đến tay
Theo ông Hiển, hiện nay dịch vụ công trực tuyến còn thiếu đồng bộ nên chỉ mới dừng lại ở việc thanh toán tiền điện, nước, thu thuế…Còn tại các trường học, bênh viện thì cũng chỉ đạt mức 40,50%.
Đại diện 1 trường đại học tại TP.HCM cho biết số lượng sinh viên thanh toán học phí không dùng tiền mặt cũng chỉ khoảng 50-60%, còn lại vẫn lựa chọn tiền mặt do thói quen. Bên cạnh đó, cơ cấu hạ tầng cũng như sự kết nối giữa ngân hàng và trường học vẫn còn khá chậm. “ Sinh viên hay có thói quen là đến hạn chót mới nộp học phí mà lúc đó khi thanh toán qua ngân hàng thì hệ thống vẫn chưa được cập nhật ngay vào hệ thống quản lý của nhà trường mà đôi lúc phải chờ qua hôm sau dẫn đến nhiều vấn đề như sinh viên không được đăng ký học phần. Do đó, những trường hợp này, sinh viên thường chọn hình thức đóng học phí bằng tiền mặt cho tiện lợi và nhanh chóng”.
Ngoài ra, tại 1 số trường học, bệnh viện, người dùng vẫn còn dùng tiền mặt trong thanh toán do chưa trang bị thiết bị cà thẻ, máy POS để sử dụng hoặc có nhưng do ít người sử dụng nên cũng không có hệ thống quản lý. Chính vì thế, nhiều người dân vẫn mang tiền mặt sử dụng.
Theo Nghị quyết 02 yêu cầu 100% các cơ quan công thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Ưu tiên thanh toán trên thiết bị di động, thiết bị chấp nhận thẻ, hoàn thành trước tháng 12-2019. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, để tiến tới 100% dịch vụ công thanh toán trực tuyến thì các cơ quan hành chính công cần phối hợp chặt chẽ và thể hiện rõ quyết tâm. Mà cụ thể là đưa ra lộ trình thì phải có sự bắt buộc áp dụng nhanh chóng và quyết liệt hơn.