Thành tích xuất siêu, bán hàng hộ Trung Quốc
Theo ông Lâm, 2013 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Giá trị xuất siêu năm nay là 863 triệu USD, so với 780 triệu USD của 2012.
Mặc dù xuất siêu nhưng phần giá trị gia tăng ở Việt Nam trong hàng hóa xuất khẩu vẫn rất thấp.
“Chúng ta nhập khẩu rất nhiều, nổi lên xu hướng nhập hàng bán thành phẩm từ Trung Quốc, sau đó về chế biến, gia công và xuất khẩu đi, song phần giá trị gia tăng rất ít. Nói cách khác, tình trạng này có nét giống như chúng ta xuất khẩu hộ cho Trung Quốc”, ông Lâm nói.
Trong cán cân xuất nhập khẩu, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 18,6 tỷ USD, xuất siêu sang EU 11,2 tỷ USD, xuất siêu sang Nhật Bản là 2,3 tỷ USD nhưng nhập siêu từ Trung Quốc tới 23,7 tỷ USD.
Việt Nam nhập khẩu từ nước láng giếng 36,8 tỷ USD, chiếm tới 28% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong tổng số 131,3 tỷ USD nhập khẩu đầu vào, chúng ta nhập chủ yếu là tư liệu sản xuất, may móc, phụ tùng, nguyên vật liệu tới 120,8 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Với cơ cấu nhập khẩu như vậy, Việt Nam nhập thiết bị máy móc… vẫn chủ yếu từ nơi có công nghệ trung gian, còn nơi có công nghệ nguồn, công nghệ cao như EU, Mỹ vẫn chưa tiếp cận được nhiều.
Trong khi đó, theo bà Lê Thị Minh Thủy - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, thế mạnh hàng nông sản không phải là điểm phấn khởi trong năm nay.
Bà Thùy cho biết, kim ngạch nông sản giảm đi rất nhiều. Đối với gạo, thị trường truyền thống của Việt Nam là Indonesia, Trung Quốc, Malaysia đều sụt giảm nhu cầu tiêu thụ. Xuất khẩu gạo cạnh tranh gặp khó hơn khi các nước chuyển sang đấu thấu gạo.
“Mặt hàng cà phê Việt Nam đang bị ép giá, các nhà nhập khẩu nước ngoài vẫn đang chờ giảm giá mới mua nên giảm cả về lượng, về giá trị. Với mặt hàng sắn, Trung Quốc chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu sắn nhưng năm nay, tiêu thụ sắn của nước này giảm hẳn đi”, bà Thủy lo ngại.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng có báo cáo chỉ ra những hạn chế của việc xuất khẩu phụ thuộc bên ngoài. Nền kinh tế dễ gặp bất lợi, mỗi khi giá cả thế giới tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.
Trong cơ cấu xuất khẩu năm nay, có 66,8% thành tích đạt được là nhờ vào FDI. Riêng khu vực này đã đóng góp tới 20% GDP năm nay.
Tăng trưởng chưa bền vững
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn chưa bền vững. Minh chứng là tỷ lệ đóng góp của vốn và lao động trong GDP vẫn rất lớn. Ví dụ như đối với tỷ lệ vốn trong GDP, năm 2010, tỷ lệ vốn chiếm 68%, năm 2011 là 55%, năm 2012 là 59,16% và năm 2013, vốn đóng góp cho GDP tới 55,79%.
Ông Hà Quang Tiến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho biết, tỷ lệ đầu tư/GDP của Việt Nam rất cao, 30,44% GDP. Nhưng tăng trưởng dường như không tương xứng với lượng đầu tư, chứng tỏ việc đầu tư của Việt Nam là kém hiệu quả.
Theo kết quả điều tra DN 2011, vốn của DN cứ 1 đồng tự có thì phải vay trên 2 đồng, riêng DNNN vay trên 3 đồng.
“Nếu tiếp tục tăng vốn đầu như những năm trước đây để duy trì tốc độ tăng trưởng cao thì sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế phải tiếp tục phụ thuộc vào nguồn tiền từ bên ngoài. Hiện nay, nền kinh tế của nước ta không chỉ cầu yếu mà cung còn yếu hơn. Vì vậy việc kích thích tăng trưởng bằng cách tăng đầu tư vừa không hiệu quả, lại dẫn đến nợ nần nhiều, tăng giá và thâm hụt thương mại”, ông Tiến phân tích.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, thực chất, nền kinh tế Việt Nam chưa lúc nào được cho là phát triển bền vững. Tốc độ tăng GDP nói chung hay sản xuất kinh doanh của các ngành nói riêng vài năm gần đây tăng chậm, là do những mất cân đối nhiều mặt của nền kinh tế, cộng với khủng hoảng bên ngoài tác động vào.
Theo các chuyên gia Tổng cục Thống kê, GDP đạt 5,42%, cao hơn năm 2012 là dấu hiệu tăng trưởng có sự phục hồi. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng lại là vấn đề khác.
Có lẽ vì thế mà Ban kinh tế Trung ương từng có đánh giá, so với các nước trong khu vực, nền kinh tế của ta vẫn tụt hậu, ngày càng có khoảng cách khá xa. Ngân hàng Thế giới đã nhìn nhận, tăng trưởng năm nay của Việt Nam vẫn chậm chạp, khu vực kinh tế Nhà nước vẫn trì trệ. Còn Ngân hàng HSBCthì khuyến cáo, nếu không có tiến triển trong các nút thắt cổ chai thì kinh tế Việt Nam sẽ còn có nguy cơ đi ngang trong nhiều năm.
Theo các chuyên gia của Tổng Cục Thống kê, Chính phủ nên duy trì tốc độ tăng trưởng vừa phải, thực hiện hiện giảm đầu tư công, khuyến khích huy dộng tăng đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, đồng thời với tái cơ cấu kinh tế, kiểm soát và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Thu nhập người Việt đạt 1.890 USD/năm Ông Hà Quang Tiến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2013, GDP bình quân theo đầu người của Việt Nam đạt 1.890 USD/năm, gấp 1,48 lần so với năm 2010. Đây là một mức tăng bình thường. Tỷ giá của Việt Nam neo giữ lâu, lạm phát lại tăng gấp đôi kể từ năm 2006 đến năm 2012, tăng trưởng kinh tế cũng khá cao. Do đó, thu nhập bình quân đầu người theo GDP tăng lên nhưng chưa thể phản ánh mức sống đã được cải thiện. Sau khi tính toán lại, bổ sung số liệu từ ngành tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, dịch vụ nhà ở tự có, thu nhập bình quân GDP trên đầu người của Việt Nam đã đạt ngưỡng 1000 USD từ năm 2008 - mốc đầu tiên của nhóm các nước thu nhập trung bình. |
Nguồn Vietnamnet