Thứ Sáu | 26/09/2014 14:07

Thành lập Tổng công ty VNPT - VinaPhone

Cùng với việc có Giám đốc mới, Đề án nâng cấp VinaPhone thành Tổng công ty đang được trình Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thành lập Tổng công ty VNPT - VinaPhone

Trong quá khứ, VinaPhone là nhà mạng giữ vị trí "anh cả" trong làng viễn thông, nhưng cùng với sự ra đời của MobiFone, Viettel, đến nay, VinaPhone đã rơi xuống vị trí thứ ba. Với cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ tại Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), VinaPhone được xác định là "quả đấm thép" của VNPT, khi "con gà đẻ trứng vàng" MobiFone đã tách khỏi Tập đoàn. Mục tiêu đặt ra cho VinaPhone là trong thời gian tới, phải lấy lại những gì đã mất.

Ông Phạm Đức Long, Phó tổng giám đốc VNPT cho rằng, là một trong những nhà mạng ra đời sớm, có khách hàng tốt, nhưng VinaPhone lại có mô hình tổ chức kinh doanh chưa phù hợp, chưa tổ chức được hệ thống kênh phân phối.

Khi MobiFone tách ra, thì VinaPhone chính là VNPT và VNPT cũng là VinaPhone, tức là cả Tập đoàn tập trung vào hỗ trợ kinh doanh cho VinaPhone.

Theo lãnh đạo VNPT, đối với dịch vụ gia tăng, thì toàn bộ khối dịch vụ sẽ tập trung vào những sản phẩm, dịch vụ mới, dịch vụ gia tăng nội dung để đưa vào mạng cho VinaPhone kinh doanh. "Tất nhiên, để lấy lại vị trí số một, con đường còn rất nhiều gập ghềnh và phụ thuộc ý chí quyết tâm của lãnh đạo, công nhân viên VinaPhone", ông Long nhận định.

Theo Đề án Tái cơ cấu VNPT đã được Chính phủ phê duyệt, VinaPhone sẽ chỉ tập trung vào kinh doanh các dịch vụ của VNPT, sau khi tập đoàn này tiến hành tái cơ cấu. Hiện VNPT cũng đã đề nghị thành lập Tổng công ty VNPT - VinaPhone, không quản lý mạng lưới như lâu nay, mà chuyên kinh doanh các dịch vụ của VNPT.

Trong một diễn biến mới, ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT cho biết, Tổ công tác của Tập đoàn vừa hoàn thành 3 dự thảo Đề án thành lập 3 tổng công ty mới là VNPT - VinaPhone, VNPT - Media và VNPT - Net để trình Hội đồng Thành viên và lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo lãnh đạo VNPT, chiến lược của VNPT là tích hợp lại các dịch vụ để khách hàng có thể truy nhập tùy thích mọi lúc, mọi nơi, ở các kênh khác nhau, với đầy đủ các dịch vụ. Như vậy, việc kinh doanh sẽ rất thuận lợi cho Tổng công ty VNPT - VinaPhone, vì khi đó, VNPT - VinaPhone sẽ cung cấp cho khách hàng một loại hình dịch vụ tùy theo yêu cầu.
Áp lực cho người cầm lái

Năm 2013, doanh thu của VinaPhone đạt gần 30.000 tỷ đồng, với trên 31 triệu thuê bao, trong đó lượng thuê bao di động trả sau lớn nhất thị trường. Chính vì vậy, để trở thành đơn vị chủ lực và giành lại vị trí số một là một thách thức rất lớn cho Ban lãnh đạo VinaPhone. Và chiếc ghế Tổng giám đốc VinaPhone chắc chắn là chiếc "ghế nóng" với bất cứ ai lãnh nhiệm vụ này.

Vài ngày trước, VinaPhone đã chia tay ông Lâm Hoàng Vinh, nguyên Giám đốc VinaPhone về nghỉ hưu theo chế độ và đón người kế nhiệm ông Vinh là ông Cao Duy Hải, Phó giám đốc VinaPhone. Trước lúc về VinaPhone, ông Cao Duy Hải là Phó tổng giám đốc MobiFone.

Sự có mặt của ông Hải được kỳ vọng như là một nhân tố mới mang lại sức chiến đấu mạnh mẽ cho VinaPhone. Những kinh nghiệm của ông ở MobiFone, nơi có phương thức quản lý cởi mở hơn VinaPhone, cũng được coi là một vốn quý để tái cấu trúc VinaPhone trong thời gian tới.

Rõ ràng, các mục tiêu đổi mới mô hình, tái cấu trúc hoạt động và giành lại vị trí số một đang là áp lực rất lớn đối với VinaPhone. Nhưng VinaPhone cũng có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ "mẹ đẻ" là VNPT. Chắc chắn, Tập đoàn sẽ dồn hết lực, cùng VinaPhone giành lại vị thế trên thị trường. Có thể thấy rằng, cùng với thách thức, VinaPhone đang có cơ hội rất lớn để "lột xác" trở thành một thế lực lớn trong làng viễn thông Việt Nam.

Nguồn Đầu tư


Sự kiện