Thứ Bảy | 02/03/2013 16:41

Thành lập ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinalines

Đề án Tái cơ cấu Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết, Vinalines đã hoàn thành sắp xếp lại 4 đơn vị hạch toán phụ thuộc hiện đang quản lý và khai thác đội tàu biển của Công ty mẹ.

Hoàn thành việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của Chi nhánh Tổng công ty tại Hải Phòng và TPHCM theo hướng các chi nhánh sẽ không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh. Chấm dứt hoạt động của Công ty Tư vấn Hàng hải (đơn vị hạch toán phụ thuộc của TCT).

Về công tác cổ phần hoá (CPH), ông Sơn cho biết, Vinalines sẽ hoàn thành sáp nhập Công ty Thương mai xăng dầu đường biển vào Công ty Kinh doanh xăng dầu Vinalines phía Bắc, đồng thời sát nhập cảng Cần Thơ vào cảng Cái Cui trước tháng 8/2013.

Công ty dịch vụ hàng hải Vinalines Hải Phòng, Công ty vận tải biển Vinalines và Công ty vận tải biển container Vinalines sẽ được chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV.

Ngoài ra, Vinalines sẽ triển khai CPH hàng loạt các cảng biển như: Khuyến Lương, Cần Thơ - Cái Cui, Hải Phòng, Quy Nhơn, Nha Trang, Quảng Ninh, Năm Căn, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cam Ranh, Nghệ Tĩnh.

Các công ty vận Vận tải biển Vinalines, Vận tải biển container Vinalines, Vận tải biển Biển Đông và 3 công ty: Vinalines Nha Trang, Vinalines Hải Phòng và Công ty kinh doanh xăng dầu Vinalines phía Bắc cũng sẽ được CPH.

Theo kế hoạch, chậm nhất tới năm 2015, Vinalines sẽ hoàn tất công tác CPH tại các doanh nghiệp trên.

Liên quan đến công tác tái cơ cấu tài chính, ông Sơn cho biết, trong năm 2013, Vinalines sẽ thoái vốn tại 16 doanh nghiệp, năm 2014 thoái vốn tại 14 doanh nghiệp, 7 doanh nghiệp còn lại sẽ được thoái vốn trong năm 2015.

"Việc thoái vốn sẽ được căn cứ vào tình hình thị trường để đảm bảo có hiệu quả", ông Sơn nói.

Theo kế hoạch đã đề xuất, Vinalines sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ, cơ cấu lại nợ tại các tổ chức tín dụng, xử lý dư nợ sau khi bán tàu của công ty mẹ, xây dựng phương án vay vốn lưu động tại các tổ chức tín dụng, cơ cấu lại nợ tại các cảng liên doanh, cơ cấu nợ trái phiếu… Những công việc này dự kiến sẽ được hoàn tất trong năm 2013.

Về tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu đầu tư, Vinalines sẽ bàn giao toàn bộ hồ sơ dự án và hoàn thành các thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư đối với dự án cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng ngay trong tháng 3/2013; Bàn giao nguyên trạng Dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong về Cục Hàng hải VN trước tháng 10/2013.

Đối với các tàu khai thác không hiệu quả, từ nay đến năm 2015, căn cứ diễn biến thị trường, Vinalines sẽ thực hiện theo Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Cũng trong giai đoạn 2013 - 2015, Vinalines sẽ triển khai thực hiện 4 dự án đóng mới theo kế hoạch….

Về kế hoạch thực hiện triển khai Đề án tái cơ cấu trong buổi làm việc với Vinalines ngày 1/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu thành lập ngay một Ban chỉ đạo tái cơ cấu và giao Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công làm Trưởng Ban.

Theo đó, Ban chỉ đạo sẽ thành lập các Tiểu ban sắp xếp, sáp nhập và CPH, Tiểu ban tái cơ cấu nợ và tài chính, Tiểu ban về tái cơ cấu sản xuất kinh doanh. Thành lập Ban chỉ đạo phụ trách việc bán tàu.

Bộ trưởng Thăng cũng yêu cầu, chậm nhất trong tuần sau Ban chỉ đạo phải phối hợp với Vinalines để thống nhất lại kế hoạch triển khai. Đồng thời cần rà soát lại cho cẩn thận, chi tiết để Bộ phê duyệt Kế hoạch tổ chức triển khai .

Thực hiện Đề tái cơ cấu Vinalines, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng lưu ý quan trọng là tái cơ cấu tài chính. Cụ thể phải có lộ trình, giải pháp cụ thể và làm việc với công ty mua bán nợ, phát hành trái phiếu…

Về việc sắp xếp doanh nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh phương án tốt nhất là đẩy mạnh CPH, Bởi, CPH là con đường ngắn nhất để tái cơ cấu. Đồng thời phải sắp xếp lại bộ máy phòng ban, có Đề án tăng cường và nâng cao công tác quản trị của doanh nghiệp.

Nguồn VietNamNet


Sự kiện