Thanh khoản dồi dào, ngân hàng lo cho vay
Ngân hàng “cân” vốn
Theo Vụ Dự báo và Thống kê tiền tệ (NHNN), dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng tính đến ngày 6/2 âm (-) 0,16% so với cuối năm 2012. Mặc dù vậy, con số này vẫn khả quan hơn nhiều so với mức âm 2,55% của cùng kỳ năm 2012 so với cuối năm 2011.
Trong khi đó, đến ngày 6/2 huy động vốn tăng 0,17% so với cuối năm 2012. Mấy ngày gần đây, theo tìm hiểu của phóng viên, kênh tiết kiệm vẫn đang hấp dẫn, lượng tiền gửi vào ngân hàng tiếp tục tăng.
Trưởng một phòng giao dịch NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) cho biết, khác với vài năm trước người dân thường chọn kênh mua vàng vào dịp cuối năm hoặc đầu năm mới thì năm nay ngoại trừ ngày Thần tài (10/1 Âm lịch) người dân mua vàng để cầu may thì kênh gửi ngân hàng vẫn chiếm ưu thế. Có thể năm nay, dù trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, lương thưởng của các DN cho nhân viên dịp cuối năm giảm, song vốn vào ngân hàng vẫn khả quan.
“Chỉ trong 3 ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trung bình mỗi ngày phòng giao dịch huy động được 2 đến 3 tỷ đồng”, vị trưởng phòng giao dịch của VP Bank cho biết.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay đối với các NHTM là làm thế nào để giải quyết được tình trạng: ngân hàng đang tiếp tục huy động vào với mức lãi suất từ 8%/năm đến 12%/năm, thanh khoản dồi dào, trong khi vốn đẩy ra nền kinh tế chậm, dù lãi suất cho vay đã giảm nhiều, hiện chỉ còn 9-12%/năm đối với lĩnh vực ưu tiên, 11% -15%/năm với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác.
Phó tổng giám đốc một NHTMCP cho biết, hầu hết các NHTM đều có một đội ngũ tương đối hùng hậu thuộc trung tâm nguồn vốn nhằm tính toán, cân đối nguồn vốn trên tổng thể toàn hệ thống. “Trong trường hợp cần thiết, ngân hàng sẽ điều giảm lãi suất huy động, nhằm giảm chi phí vốn”, vị này cho biết.
Theo thông tin mà Thời báo Ngân hàng có được, số dư tiền gửi dự trữ bắt buộc của nhiều NHTM tại NHNN hiện đang vượt yêu cầu. Những ngày gần đây NHNN vẫn đang tích cực hút mạnhVNDqua nghiệp vụ thị trường mở (OMO).
Phải vì mục tiêu lớn
Nhìn trên tổng thể, mặc dù tín dụng đến 6/2 so với cuối năm 2012 là âm 0,16%, nhưng so với cuối tháng 1 lại tăng 0,38%. Một tín hiệu được xem là khả quan nữa với tín dụng là mặc dù tín dụng tăng trưởng âm nhưng dư nợ cho vay bằng VND vẫn tăng 0,44% so với cuối năm 2012 và tăng 0,55% so với cuối tháng 1.
Trong khi đó, tín dụng USD âm 2,9% so với cuối năm 2012 và âm 0,44% so với cuối tháng 1/2013. Tín dụng không tăng trưởng, ngoài lý do đang là thời điểm “tháng ăn chơi” còn do sự hấp thụ vốn của DN vẫn chưa được cải thiện.
Lãnh đạo một NHTM cho biết, vẫn có khách “gõ cửa” ngân hàng nhưng nếu là khách hàng có tình hình tài chính không tốt, ngân hàng cũng không dám cho vay. Có NHTM cũng thẳng thắn phát biểu trên báo chí: có thể hôm nay họ là khách hàng tốt, nhưng vài hôm sau đã là khách hàng xấu.
Thừa nhận thực tế này, Trưởng phòng giao dịch của VP Bank cho biết, họ từng gặp trường hợp trên. Thực tế, có không ít khách hàng nắm nhiều bất động sản, nhưng trong bối cảnh thị trường “down” liên tục như hiện nay khiến ngân hàng không dám nhận tài sản đảm bảo này.
Ông Nguyễn Văn Châu – Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy Đạt (chuyên sản xuất lương thực xuất khẩu) cho biết, sang đầu năm 2013 hoạt động kinh doanh có khả quan hơn. Do đó khả năng hấp thụ vốn có thể sẽ khả quan hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, “nếu như trước đây khách hàng có tài sản đảm bảo bằng bất động sản thường được ngân hàng cho vay bằng 50% tài sản đảm bảo, nhưng nay chỉ còn 30%”, ông Châu chia sẻ và băn khoăn: phải làm thế nào để lấy lại niềm tin giữa ngân hàng và DN? Hiện nay với những DN sản xuất hàng thiết yếu, chủ lực, UBND các tỉnh, thành phố phải cùng vào cuộc, thậm chí cần cả Sở Kế hoạch và Đầu tư đứng lên bảo lãnh như cách mà UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với BIDV đang làm.
Với mong muốn của DN là tiếp tục giảm lãi suất, một lãnh đạo cấp cao của NHNN cho rằng, nếu điều chỉnh tỷ giá, lạm phát quay lại thì lãi suất không giảm được. Còn nói là điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu thì trong chính sách điều hành của NHNN đã có riêng tín dụng dành cho DN xuất nhập khẩu rồi. Hơn nữa, xuất khẩu tốt hay không còn phụ thuộc vào chất lượng hàng hóa, công tác xúc tiến thương mại, thương hiệu sản phẩm… Bên cạnh đó, mục tiêu điều hành CSTT của NHNN phải xét trên tổng thể nhằm đạt mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 1 đã tăng 1,25%, tháng 2 nhiều khả năng CPI cũng ở mức trên 1%. Như vậy, tính 2 tháng CPI đã ở mức gần 2,5%, trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đưa ra khoảng 6% - 6,5% trong năm nay, thì “quota” CPI cho 10 tháng còn của năm là 3,5% - 4%. Do đó, nếu không cẩn trọng trong điều hành thì chúng ta sẽ mất nhiều hơn được.