Thứ Tư | 21/11/2012 08:45

Thanh khoản của các ngân hàng luôn bấp bênh và căng thẳng

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, nợ xấu hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng, tỷ lệ CAR có xu hướng giảm nhanh.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Với vai trò là cơ quan giám sát, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, trong những năm qua hệ thống ngân hàng của Việt Nam phát triển khá nhanh nhưng đi kèm với đó cũng chưa đựng nhiều rủi ro cần sớm được khắc phục.

Thị trường dịch vụ ngân hàng bán lẻ Việt Nam hấp dẫn

Theo thống kê, hệ thống ngân hàng tại Việt Nam tăng nhanh, từ 9 ngân hàng thương mại năm 1991 đến 57 ngân hàng thương mại năm 1999 và đến 2011 là 52 ngân hàng thương mại và 54 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra, còn các tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng khác.

Các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng chủ yếu tập trung tại khu vực thành thị, trong đó Hà Nội và TPHCM chiếm 35% số chi nhánh, phòng giao dịch.

Chính vì thế, hầu hết các đánh giá đều cho rằng Việt Nam là thị trường còn nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ với tỷ lệ khoảng hơn 10% dân số có tài khoản và thực hiện giao dịch thường xuyên với ngân hàng.

Song Ủy ban Giám sát nhận xét, số lượng ngân hàng, TCTD hoạt động tại Việt Nam khá lớn, nhưng có tình trạng phân bố không đều, nơi thừa, nơi thiếu và chưa đảm bảo sự đa dạng về loại hình và quy mô.

Các TCTD chủ yếu tập trung cạnh tranh với nhau quyết liệt về mặt địa lý tại các khu vực đô thị, về sản phẩm chủ yếu là huy động và cho vay truyền thống.

Nợ xấu có xu hướng gia tăng

Trong báo cáo của mình, cơ quan này cũng lưu ý rằng tình hình nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh tại Việt Nam.

Cụ thể, tại thời điểm tháng 12/2010 tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng là 2,21% và đến 12/2011 là 3,1%.

Trong đó, đáng chú ý là nợ nhóm 2 ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tổng dư nợ quá hạn của toàn ngành, chiếm 70,39%.

Các số liệu đã phân tích nêu trên còn chưa phản ánh hết thực trạng nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam do chuẩn nợ xấu, cách thức phân loại nợ xấu còn chưa hoàn toàn theo thông lệ và phù hợp với thực tế. Theo ước tính của Fitch Ratings thì hiện tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại Việt Nam vào khoảng 13% tổng dư nợ tín dụng.

Hiệu quả sinh lời của hệ thống ngân hàng: ROE: 15,28% (2009); 13,39% (2010); 14,26% (2011); ROA: 1,12% (2009); 1,02% (2010); 1,12% (2011).

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các tổ chức tín dụng có chiều hướng giảm nhanh

Theo báo cáo của Ủy ban này, tỷ lệ cho vay/huy động của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam nói chung luôn ở mức trên 90%. Đặc biệt tỷ lệ cho vay/huy động ngoại tệ luôn ở mức trên 100%, có khi đạt xấp xỉ 130%.

“Thanh khoản hệ thống luôn bấp bênh, căng thẳng; chưa kể đến sự mất cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay và việc tiền gửi rút trước kỳ hạn gia tăng” - Cơ quan này nhận định.

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các TCTD đang có chiều hướng sụt giảm nhanh chóng, nghiêm trọng.

Nguyên nhân được xác định là do mô hình tăng trưởng cũ và tham vọng tăng trưởng nhanh dựa vào tăng vốn đầu tư mà ngân hàng là kênh cung ứng vốn chủ yếu (cung ứng khoảng trên dưới 80% vốn cho nền kinh tế, kể cả vốn trung và dài hạn). Đây là yếu tố luôn tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, do hoạt động điều hành, quản lý hệ thống TCTD và điều hành, thực thi chính sách tiền tệ đi theo xu hướng hành chính hoá, xa rời các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường đã tạo nên một môi trường kinh doanh bất ổn, méo mó và thiếu lành mạnh cho hoạt động tài chính- ngân hàng- tiền tệ.

Ngoài ra, các cú shock kinh tế- tài chính từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế Việt Nam yếu kém, kinh tế vĩ mô bất ổn (lạm phát tăng cao, chính sách tài khoá và tiền tệ thắt chặt làm thị trường chứng khoán trì trệ, thị trường bất động sản đóng băng…) cũng ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng.

Tái cơ cấu ngân hàng phải gắn với thanh tra giám sát

Theo Ủy ban Giám sát, để làm trong sạch hệ thống trước mắt cần giải quyết ngay tình trạng căng thẳng về thanh khoản của hệ thống và từng TCTD: Tình hình thanh khoản hệ thống hiện nay có vẻ được cải thiện nhưng vẫn luôn tiềm ẩn rủi ro lớn do mất cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn (chủ yếu ngắn hạn) và sử dụng vốn (chủ yếu dài hạn).

Song song với đó (trong ngắn và trung hạn) tiến hành xử lý nợ xấu (một nguyên nhân cơ bản của tình trạng rủi ro mất thanh khoản): Giải pháp thành lập Công ty mua bán nợ của hệ thống ngân hàng là hết sức đúng đắn trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên tái cấu trúc hệ thống ngân hàng không chỉ đơn thuần là xử lý nợ xấu, nâng cao khả năng tài chính, năng lực quản trị của các TCTD mà phải gắn với tái cơ cấu toàn bộ thị trường tài chính.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả thanh tra giám sát, cơ cấu và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ (giảm thiểu những rủi ro do chính sách, do điều hành không theo nguyên tắc thị trường…)

Việc tái cơ cấu lại tài chính của các ngân hàng phải tuân thủ nguyên tắc: Chỉ dùng vốn Ngân sách Nhà nước để tăng vốn cho các TCTD Nhà nước (nhưng cần hạn chế tối đa).

Đối với các TCTD cổ phần, chủ sở hữu (các cổ đông lớn) phải có trách nhiệm cao nhất; Nhà nước chỉ nên cho vay (nếu cần) mà hạn chế tối đa việc góp vốn vào các TCTD này (tránh hiện tượng thay vì cổ phần hoá lại quốc doanh hoá các TCTD).

Nguồn CafeF


Sự kiện