“Thành công chính” và “thành công lớn nhất” của tái cơ cấu ngân hàng
Thành công chính của tái cơ cấu ngân hàng là gì? Câu trả lời đã có trong báo cáo kết quả 3 năm triển khai đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội.
Báo cáo viết: “Sự ổn định của lãi suất, giải cứu được tình hình thiếu thanh khoản nghiêm trọng của hệ thống ngân hàng thương mại là thành công chính của quá trình tái cơ cấu ngân hàng”.
Điều đáng nói thêm ở đây đó là quá trình tái cơ cấu đã không để xảy ra đổ vỡ hàng loạt trong hệ thống ngân hàng, Chính phủ nhấn mạnh.
Bình thường hóa lãi suất
Nhìn lại cả quá trình ba năm qua, Chính phủ đánh giá, bất ổn vĩ mô trước khi thực hiện tái cơ cấu không chỉ thể hiện ở lạm phát phi mã mà lãi suất cũng leo thang chóng mặt. Nền kinh tế rơi vào trạng thái không mong muốn đó là lạm phát trì trệ: vừa phải đối phó với lạm phát, vừa phải tìm cách cắt giảm lãi suất.
Lãi suất bình quân liên ngân hàng leo thang cho thấy tình hình thanh khoản của các ngân hàng thương mại có vấn đề nghiêm trọng. Sự thiếu hụt thanh khoản cũng biểu hiện trên thị trường sơ cấp, lãi suất huy động tăng vọt có lúc lên đến 25%, Chính phủ nhìn lại.
Những giải pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được Chính phủ đánh giá là đã bắt đầu có hiệu lực kể từ đầu năm 2012. Bắt đầu từ tháng 2/2012 lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động thể hiện xu hướng giảm rõ rệt và cơ bản ổn định vào khoảng tháng 6/2013.
Đối với kỳ hạn 3 tháng cho VND, lãi suất bình quân liên ngân hàng năm 2014 phổ biến ở mức 3,8-4,5%/năm, năm 2013 ở mức 5-6%, là những mức thấp và khá ổn định so với những năm trước đó (năm 2011 dao động mạnh ở mức 13-15% và năm 2012 ở mức 8-13%)., báo cáo đưa ra so sánh.
Trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế bắt đầu khởi sắc trở lại với tốc độ tăng trưởng cao hơn dự kiến, nhu cầu tín dụng bắt đầu tăng, xu hướng giảm lãi suất đã dừng lại và có tăng nhẹ trong 3 tháng đầu năm rồi ổn định ở mức 4,25%, Chính phủ tiếp tục phân tích.
Vẫn theo báo cáo, xét trên góc độ lãi suất cho vay và lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng của các ngân hàng thương mại cũng cho thấy xu thế tương tự. Lãi suất cho vay và lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại tăng dần, rõ rệt từ đầu năm 2009 đến giữa năm 2011 và đạt đỉnh cao hơn 18%. Kể từ đó lãi suất cả cho vay và huy động đều giảm đều đặn, vững chắc.
Như vậy hiệu quả của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng đã dần dần bình thường hóa lãi suất cho vay và đi vay của hệ thống ngân hàng thương mại, Chính phủ nhìn nhận.
Ngân hàng yếu kém bị đào thải
Nhìn tổng thể cả quá trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại, Chính phủ khẳng định thành công là đáng ghi nhận.
Những thành tựu về ổn định kinh tế vĩ mô có phần đóng góp không nhỏ của ngành ngân hàng. Kiềm chế lạm phát, ổn định tiền tệ, hạ thấp lãi suất, tăng dự trữ ngoại hối… là những chỉ số mạnh cho thấy những bước đi thận trọng tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, báo cáo nêu rõ.
Ngược thời gian, Chính phủ nhắc lại nguy cơ lớn nhất của hệ thống ngân hàng khi tiến hành tái cơ cấu đó là khủng hoảng thanh khoản và nợ xấu gia tăng.
Trong 4 năm qua, hệ thống ngân hàng dần đi vào ổn định. Nợ xấu cơ bản đã được kiềm chế, các ngân hàng yếu kém đã được sáp nhập vào các ngân hàng khác mạnh hơn, một số ngân hàng yếu kém khác buộc Ngân hàng Nhà nước phải tiến hành giành quyền kiểm soát thông qua mua lại với giá trị 0 đồng, báo cáo nêu nhận định khái quát.
Sáp nhập các ngân hàng yếu với các ngân hàng mạnh, theo Chính phủ, không chỉ để tạo ra những ngân hàng có quy mô lớn hơn, giải quyết được nguy cơ đổ vỡ các ngân hàng nhỏ yếu mà còn đồng thời giải quyết được quan hệ sở hữu chéo giữa các ngân hàng này.
Việc thực hiện các giải pháp quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước cũng là một thông điệp thị trường quan trọng: những ngân hàng quản lý yếu kém sẽ phải chấp nhận quy luật khắc nghiệt của kinh tế thị trường đó là bị đào thải. Điều này buộc các ngân hàng trong tương lai phải cẩn trọng hơn trong hoạt động kinh doanh, báo cáo viết tiếp.
Thành công lớn nhất của việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đó là đã xử lý được số lượng không nhỏ các ngân hàng yếu kém nhưng đã không để xảy ra đổ vỡ, gây hoảng loạn hệ thống, Chính phủ khẳng định.
Nguồn Vneconomy