Thăng trầm thị trường phái sinh tháng 7
Thăng trầm thị trường phái sinh tháng 7
Sau một năm đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam ghi nhận những bước tăng trưởng tích cực và được đông đảo nhà đầu tư đón nhận. Tính đến cuối tháng 6/2018, số lượng tài khoản phái sinh đạt hơn 35.000 tài khoản và dự báo sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Giống như bất kỳ sản phẩm chứng khoán khác, tâm lý nhà đầu tư luôn chi phối rất lớn đến mức độ ổn định của thị trường, đặc biệt khi số lượng nhà đầu tư cá nhân đang áp đảo tại thị trường phái sinh Việt Nam và đặc tính của sản phẩm này có thể mở đóng vị thế trong ngày.
Bức tranh VN30 và thị trường phái sinh
Tháng 7 là 1 tháng khá nhiều sóng gió với thị trường cơ sở Việt Nam. Dưới sự tác động của nhiều yếu tố địa chính trị, tâm lý của nhà đầu tư nhìn chung vẫn còn khá e ngại. Trong tháng 7, chỉ số VN30 chứng kiến sự giảm mạnh trong các phiên đầu tháng xuống mức thấp nhất 881 điểm, song dần hồi phục và tiệm cận ngưỡng 944.38 điểm vào cuối tháng.
Sự nâng đỡ chính của thị trường đến từ kết quả kinh doanh quý 2 khả quan của doanh nghiệp; tiêu biểu như Vingroup với doanh thu tăng trưởng gần 90%, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (tăng trưởng 43%), Vietcombank (tăng trưởng 45%), VPBank (tăng trưởng 34%). Tuy nhiên, đà tăng bị kìm lại phần nào khi khối ngoại liên tục bán ròng và một số doanh nghiệp có lợi nhuận giảm trong quý 2/2018 so với cùng kỳ năm trước như: Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (giảm 9%), Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (giảm 25%) …
Xét về mối tương quan giữa hợp đồng tương lai và chỉ số VN30, trong tháng 7/2018, hợp đồng tương lai biến động cùng xu hướng và khá sát chỉ số VN30, tuy nhiên phần lớn thời gian giao dịch ở mức giá thấp hơn chỉ số VN30.
Hợp đồng tháng hiện tại giao dịch thấp hơn trung bình 3.8 điểm so với chỉ số VN30 trong tháng 7/2018. Điều này cho thấy thị trường đang tăng trưởng nhưng chưa bền vững và nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại về khả năng tăng trưởng ngắn hạn của thị trường.
Việc tỷ giá USD/VND tăng 2% chỉ trong hai tháng trở lại đây gây ra mối lo ngại về những biến động với dòng tiền ngoại. Thêm vào đó, những diễn biến trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa đến hồi kết thúc tạo tâm lý dè chừng với nhà đầu tư Việt.
Tính đến ngày 06.08, tỉ giá trung tâm giữa tiền đồng và USD được NHHH (Ngân hàng Nhà nước) niêm yết ở mức 22.676 VND, so với mức thấp 22.405 VND ngày 03.01.2018. Trên thị trường tự do, USD được giao dịch quanh mốc 23.500 đồng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nguyên nhân chủ yếu là do việc FED nâng mức lãi suất ; trong tháng 6.2018 cơ quan này đã nâng lại suất vay thực tế thêm 0,25% và “gợi ý” sẽ còn ít nhất 2 đợt tăng lãi suất nữa cho đến hết năm 2018.
Phái sinh thăng hoa khi cơ sở “rung lắc”
Thời gian vừa qua, khối lượng giao dịch phái sinh thể hiện tương quan nghịch chiều với thị trường cơ sở.
Thời gian vừa qua, khối lượng giao dịch phái sinh dường như đi nghịch chiều với xu thế chung của thị trường cơ sở. Cụ thể, thanh khoản của thị trường phái sinh tăng mạnh tháng từ tháng 4 đến cuối tháng 5 khi thị trường cơ sở liên tiếp giảm điểm. Sau đó, trong nửa đầu tháng 6, khi thị trường cơ sở bắt đầu có dấu hiệu hồi phục thì tăng trưởng về thanh khoản của phái sinh giảm nhẹ.
Theo tìm hiểu, thanh khoản toàn thị trường phái sinh tháng 5 đạt 1,64 triệu hợp đồng, tăng gần 200% so với tháng 4/2018. Đến tháng 6/2018, mức thanh khoản đạt 1,98 triệu hợp đồng, tăng trưởng chỉ 20%, tốc độ đã có phần giảm đi những vẫn tiếp tục thể hiện xu hướng phát triển.
Những số liệu trên phần nào cho thấy trong giai đoạn thị trường cơ sở giảm điểm, chứng khoán phái sinh được cho là một kênh đầu tư thay thế hấp dẫn với các đặc tính nổi bật như (1) Mua bán hai chiều, (2) Giao dịch T0 - có thể mua bán ngay trong phiên, (3) phòng ngừa rủi ro cho danh mục cơ sở - phần lỗ từ cơ sở sẽ được bù đắp bằng lãi phái sinh khi thị trường giảm điểm.
Trước sự rung lắc mạnh của thị trường, đầu tư ngắn hạn là chiến lược được lựa chọn bởi đa số nhà đầu tư, dù đó là với thị trường tương lai. Trong số 4 loại hợp đồng tương lai hiện đang được lưu hành tại Việt Nam, hợp đồng tương lai tháng hiện tại chiếm tỷ trọng lớn trong tổng khối lượng giao dịch hàng ngày (khoảng 95-97%).
Như vậy cũng có nghĩa là tổng khối lượng giao dịch hàng ngày của 3 hợp đồng còn lại chỉ chiếm 3-5%. Thanh khoản của hợp đồng tháng hiện tại chỉ giảm khi gần đáo hạn, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao. Ngày 19.07.2018 là ngày đáo hạn của hợp đồng tháng 7.2018 nhưng thanh khoản của hợp đồng này vẫn chiếm đến 67% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Điều này cũng dễ hiểu do có đến 98-99% nhà đầu tư trên thị trường phái sinh Việt Nam là nhà đầu tư cá nhân. Nhà đầu tư cá nhân thường có tâm lý sinh lời nhanh và ít để ý đến việc phân tích cũng như dự báo thị trường trong trung và dài hạn. Do vậy, hợp đồng tháng hiện tại dường như là lựa chọn an toàn hơn cả đối với họ.
Theo nghiên cứu của VNDirect, đang nắm thị phần lớn nhất về môi giới phái sinh trong 6 tháng đầu năm, tỉ trọng kết cấu của thị trường Việt Nam và Thái Lan thể hiện những phân cực rõ rệt. Tại Thái Lan, do số lượng nhà đầu tư chiếm đến 70% khối lượng giao dịch phái sinh, vì thế xu hướng đáo hạn chủ yếu tập trung ở những kỳ hạn dài. Tại thị trường Việt Nam, nhà đầu tư tổ chức mới chỉ bước đầu chiến lược đầu tư thăm dò; tài khoản sở hữu bởi nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm xu hướng chủ đạo trong thời gian này.
…và tác động của việc nâng tỉ lệ ký quỹ
Từ ngày 18/7/2018, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) công bố quyết định nâng tỷ lệ ký quỹ ban đầu từ 10% lên 13%. Sau động thái của VSD, các công ty chứng khoán cũng lần lượt nâng tổng tỷ lệ ký quỹ tối thiểu của khách hàng để giao dịch 1 hợp đồng lên mức 18%-18,5%. Trong ngắn hạn, việc tăng tỷ lệ ký quỹ này đã tác động mạnh lên thị trường.
Khối lượng giao dịch giảm từ mức bình quân khoảng 140 nghìn hợp đồng/phiên xuống khoảng hơn 100 nghìn hợp đồng/phiên. Đối với thị trường đa phần là nhà đầu tư cá nhân, ảnh hưởng tức thời này là điều hoàn toàn dễ hiểu. Khi tỷ lệ ký quỹ tăng lên, đòn bẩy của nhà đầu tư giảm từ khoảng 6,7 lần về 5,6 lần, đồng thời số tiền ký quỹ tăng lên tương ứng từ khoảng 14 triệu đồng/hợp đồng lên khoảng 17 triệu đồng/hợp đồng. Tuy nhiên, theo nhận định tầm nhìn trung và dài hạn của chuyên gia VNDirect, thanh khoản của thị trường phái sinh có xu hướng tăng trưởng do tính ưu việt của chính sản phẩm này.
Để tránh bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, chuyên gia chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư nên có chiến thuật đầu tư bài bản, và kiên định với những nguyên tắc được đặt ra. Nhà đầu tư nên đưa ra các điểm chốt lời, cắt lỗ phù hợp với kỳ vọng và mức độ chịu đựng rủi ro, trong đó lệnh điều kiện là công cụ hiệu quả giúp nhà đầu tư đạt được mục đích này.
*(Bài viết của VNDirect có giá trị tham khảo cho các nhà đầu tư)