Thẳng tay xử phạt người đội mũ bảo hiểm thời trang
Hoạt động này nhằm thực hiện theo kế hoạch của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia về việc triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.
Theo quy định, người điều khiển, người ngồi trên các phương tiện như: xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm “dành cho người đi mô tô, xe máy” có cài quai đúng quy cách.
Đặc biệt, mũ bảo hiểm phải có cấu tạo đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo. Phải được gắn dấu hợp quy CR, trên mũ bảo hiểm có ghi nhãn hàng hoá, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, cỡ mũ; tháng, năm sản xuất.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã ký văn bản chỉ đạo các lực lượng kiểm tra, xử lý vấn nạn mũ bảo hiểm dỏm.
Trước đây, Thông tư 06 quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy (có hiệu lực từ ngày 15/5/2013) đã xác định rất rõ chức năng, trách nhiệm của từng bộ.
Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, những câu chuyện xoay quanh chiếc mũ bảo hiểm vẫn hết sức nan giải dù một lực lượng hùng hậu được huy động vào cuộc và Luật đã có đủ.
Theo thống kê của các ngành chức năng, có khoảng 70% số vụ tai nạn giao thông ở nước ta liên quan đến mô tô, xe máy và không ít nạn nhân bị chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong.
Điều đáng nói là có khá nhiều nạn nhân khi bị tai nạn không đội MBH, hoặc có đội nhưng vẫn bị chấn thương sọ não vì đội MBH không đúng quy cách. Việc đội MBH đúng quy cách sẽ góp phần giảm mức độ nghiêm trọng của thương tích ở vùng đầu. Bởi vậy, mỗi người tham gia giao thông cần nhận thức được vấn đề này, tự giác đội MBH đúng quy cách bảo đảm an toàn cho chính mình khi xảy ra sự cố.
Sáu năm qua, từ chỗ quy định bắt buộc người điều khiển xe mô-tô, gắn máy phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cho đến nay cho thấy một thực tế: Quy định này được người dân đồng tình ủng hộ nhưng do việc buông lỏng quản lý, cơ chế phối hợp còn quá nhiều bất cập nên các đối tượng vì lợi nhuận đã làm cho thị trường mũ bảo hiểm rơi vào tình trạng bát nháo, khó kiểm soát.
Mặc dù nhiều nghị định, thông tư liên quan đến kiểm tra, xử lý các đối tượng, cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm đã ra đời nhưng hiệu quả thì vẫn chưa thấy, thậm chí càng ngày càng phức tạp và biến hóa theo chiều hướng xấu đi. Dư luận đặt ra câu hỏi: Nếu các cơ quan chức năng thực sự triển khai thực hiện quyết liệt thì bài toán này có được giải quyết?
Liên quan đến việc áp dụng quy định từ ngày 1/7 người đội mũ bảo hiểm rởm sẽ bị xử phạt từ 100 – 200 nghìn đồng và bị tịch thu mũ bảo hiểm rởm, đến nay, không chỉ người dân lúng túng trong việc phân biệt mũ bảo hiểm đạt chuẩn và mũ bảo hiểm không đạt chuẩn mà các cán bộ CSGT cũng chưa được tập huấn cụ thể về vấn đề này.Trao đổi với báo chí, ông Đinh Giang Long, cán bộ đội Cảnh sát giao thông số 6 Hà Nội cho biết: “Hiện tại trên phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội chưa có thông báo gì. Chỉ có thông báo thời điểm áp dụng xử phạt.Tuy nhiên, muốn xử phạt thì phải được tập huấn về việc xử phạt hình thức như thế nào, mức xử phạt như thế nào? Nhưng hiện tại vẫn chưa được tập huấn về những cái đấy, chưa có thông báo gì cả”. |
Nguồn Đất Việt