Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,75 tỉ USD. Ảnh: Quý Hòa
Thăng hạng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Một con số đáng chú ý: số nhà cung cấp cả cấp 1 và cấp 2 của Samsung tại Việt Nam đã tăng lên 250 doanh nghiệp từ con số 4 của năm 2014. Điều đó cho thấy vị thế của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu đã được cải thiện. “Đây là điều cần thiết trong việc nhân đôi và phát triển hơn nữa các lợi thế của Việt Nam. Đó là cơ hội mở rộng sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam với những nỗ lực trung - dài hạn trong tương lai”, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, nhận định.
Con số này cũng cho thấy năng lực sản xuất ngày càng được nâng cao của nền kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn, theo ông Takeo Nakajima, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật (JETRO), tỉ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng lên trong 10 năm qua. “Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này rất tích cực và là cơ sở để các nhà đầu tư đến với Việt Nam nhiều hơn, đồng thời cũng thể hiện nội lực của nền kinh tế Việt Nam đang tăng lên”, lãnh đạo JETRO nhận định. Đặc biệt, từ năm 2021, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật đã thực hiện chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại nước ngoài. Qua 5 đợt tuyển chọn dự án viện trợ, đã có 103 dự án được chọn, trong đó, Việt Nam chiếm số lượng nhiều nhất với 41 dự án.
Từ nhiều năm qua, mục tiêu Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi sản xuất toàn cầu luôn được đặt ra trong xu hướng tái cấu trúc, định hình và cân bằng lại chuỗi cung ứng ngày càng được đẩy nhanh. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, đặc biệt khi kinh tế Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định, thu hút vốn FDI cao.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,75 tỉ USD. Việt Nam được đánh giá sẽ có vị thế tốt hơn trong 2 hoặc 3 năm tới, chứng tỏ vị thế của mình là một trong số các điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất. Chẳng hạn, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố chỉ số môi trường kinh doanh quý III. Theo đó, 42% doanh nghiệp khảo sát cho biết công ty của họ sẽ tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam vào cuối năm 2022, đồng thời cho rằng, Việt Nam có thể tăng mức thu hút vốn FDI.
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố chỉ số môi trường kinh doanh quý III. Theo đó, 42% doanh nghiệp khảo sát cho biết công ty của họ sẽ tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam vào cuối năm 2022, đồng thời cho rằng, Việt Nam có thể tăng mức thu hút vốn FDI. Ảnh: Quý Hòa. |
Xu hướng này đáng chú ý trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu liên tục gặp thách thức vì dịch bệnh và chiến tranh. Các doanh nghiệp FDI đang phải tăng cường tìm kiếm nhà cung cấp để cung ứng hàng ngàn chi tiết, linh kiện... Khi Việt Nam được kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất mới tại khu vực, các tập đoàn toàn cầu như Samsung, Panasonic, Intel, Bosch, LG... cũng ráo riết tìm kiếm nhà cung ứng công nghiệp hỗ trợ từ Việt Nam.
Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ, Việt Nam đã xác định được tầm quan trọng của việc cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu cung ứng cho Samsung phụ kiện và bao bì, trong khi hãng này vẫn tiếp tục tìm kiếm đối tác cung ứng địa phương ở lĩnh vực công nghệ cao như linh kiện điện tử.
Vì vậy, phần giá trị mà Việt Nam được hưởng trong chuỗi giá trị của Samsung rất thấp, cũng như câu chuyện thường được nhắc đến là Việt Nam chỉ nhận được 22 USD trong đôi giày do Nike bán ra là 100 USD.
Dù Samsung rất muốn có thêm nhiều nhà cung cấp địa phương nhưng mong muốn này không thể đáp ứng một sớm một chiều. Đây không chỉ là bài toán của Samsung, mà đối với hầu hết các tập đoàn công nghệ lớn khi chọn Việt Nam là điểm đến sản xuất hay lắp ráp. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2022 ước tính đã lên tới gần 90 tỉ USD, chiếm hơn 32% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, phần lớn sự đóng góp này thuộc về các doanh nghiệp FDI.
Theo ông Phạm Thanh Tùng, Phòng Công nghiệp Hỗ trợ (Cục Công nghiệp), hiện mới chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, 88% trong số này là doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp dệt may, da giày và 33% doanh nghiệp điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất. Doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh”, ông Tùng nhận xét.
Vì vậy, để các doanh nghiệp Việt có thể tham gia và từng bước nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ kết nối và nâng cao năng lực một cách bài bản, chiến lược và dài hạn. Để giải quyết bài toán này, Samsung mới triển khai dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh đợt 2 năm 2022 cho 12 doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương. Dự án này đặt mục tiêu đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam và hỗ trợ tư vấn, cải tiến 50 doanh nghiệp trong 2 năm (2022-2023) nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển công nghiệp giá trị cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Kinh nghiệm ở Hàn Quốc cho thấy, việc phát triển các nhà máy thông minh có thể giúp tăng năng suất 30%, giảm chi phí 23%, cải tiến chất lượng 30%, giảm thời gian giao hàng 27%...
Ông Paul Weijers, Cố vấn Cấp cao Dự án LinkSME, khuyến nghị, để kết nối được với doanh nghiệp đầu cuối và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của họ, doanh nghiệp Việt phải đảm bảo một cách xuyên suốt, đồng thời làm sao để đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi khả năng còn yếu thì giải pháp tăng cường liên kết với khu vực FDI và thị trường quốc tế cũng là cách đưa doanh nghiệp công nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.