VinaCapital dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% trong cả năm 2024 và 2025. Ảnh: TL.
Thặng dư thương mại Việt Nam dự báo 31 tỉ USD
Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 35,6 tỉ USD, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ, nhờ đà phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trên thế giới khi mùa lễ hội cuối năm đang tới gần, kéo theo số đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng nhẹ.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ là thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 98,4 tỉ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Trong khi xuất khẩu sang EU tăng 16,4% so với cùng kỳ đạt 42.3 tỉ USD; xuất khẩu sang Trung Quốc 50,8 tỉ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 33,6 tỉ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 117,7 tỉ USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, có 4 mặt hàng nhập khẩu với trị giá trên 10 tỉ USD (chiếm 48,3% tổng kim ngạch nhập khẩu) bao gồm: Điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; vải; và sắt thép.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo xuất khẩu sẽ tăng trưởng 15% trong năm 2024, thặng dư cán cân thương mại ở mức 31 tỉ USD dựa trên nhiều yếu tố hỗ trợ.
Đầu tiên, Ngân hàng Thế giới dự báo thương mại toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng 2,5% vào năm 2024 và 3,4% vào năm 2025.
Thứ hai, các dấu hiệu tích cực của FDI vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động thương mại. Ngoài ra, các cải cách gần đây về chính sách thương mại và hải quan đã nâng cao hiệu quả quản lý xuất nhập khẩu, đơn giản hóa các quy trình hành chính và giảm chi phí cũng như thời gian cho các doanh nghiệp.
Ở chiều ngược lại, MBS cho rằng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 phải đối mặt với nhiều thách thức như xung đột địa chính trị có thể dẫn đến tăng đột biến chi phí vận chuyển; sự cạnh tranh gia tăng tạo ra bởi các quốc gia xuất khẩu đối thủ như Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan.
Cùng với đó, những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Trump có thể khiến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang sẽ gây ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong việc xuất khẩu các sản phẩm có nguyên liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc sang Mỹ. Thêm vào đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao nên chịu tác động lớn từ diễn biến quốc tế, sẽ kéo theo những khó khăn cho những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, gỗ, điện tử.
Ở góc nhìn khác, VinaCapital cho rằng sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong năm nay sẽ chững lại vào năm tới, vì nền kinh tế Mỹ có khả năng hướng đến “hạ cánh mềm” với tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại (nhưng không sụp đổ). Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chậm lại sẽ dẫn đến sự giảm sút trong tăng trưởng sản lượng sản xuất, vì phần lớn sản phẩm sản xuất ở Việt Nam được bán ra cho khách hàng nước ngoài và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
“Chúng tôi không kỳ vọng xuất khẩu hoặc sản lượng sản xuất của Việt Nam sẽ thực sự giảm vào năm tới, vì dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định đảm bảo rằng ngày càng có nhiều nhà máy mới bắt đầu sản xuất (và xuất khẩu) sản phẩm mỗi năm. Chúng tôi dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% trong cả năm 2024 và 2025, mặc dù chúng tôi kỳ vọng cơ cấu tăng trưởng sẽ đến từ các yếu tố nội tại vào năm tới”, ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital nhận định.
Có thể bạn quan tâm