Tháng 5 sẽ IPO cảng biển lớn nhất miền Bắc
Theo ông Vũ Khắc Từ - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng hải VN (Vinalines), HĐTV Tổng công ty vừa quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa (CPH) cảng Hải Phòng. Tổng giá trị tài sản của cảng Hải Phòng được xác định là hơn 4.320 tỷ đồng, bằng 201% so với tổng giá trị theo sổ sách. Trong đó, tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 3.269 tỷ đồng, bằng 261% so với tổng giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo sổ sách.
"CPH không phải là bán cao hay bán thấp để kiểm thặng dư vốn mà quan trọng nhất của CPH là chuyển đổi hình thức của DN, thay đổi về bản chất công tác quản lý. Trước đây là Nhà nước độc quyền quản lý thì sau CPH, các cổ đông sẽ tham gia quản lý. Mệnh lệnh hành chính sẽ ít đi và chuyển sang hoạt động theo quy luật của cơ chế thị trường". Bộ trưởng Đinh La Thăng |
Việc hoàn tất công tác xác định giá trị doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với việc khó nhất trên con đường CPH của cảng Hải Phòng đã xong. Trước đó, theo nhiều chuyên gia, xác định giá trị tài sản của cảng Hải Phòng rất phức tạp do khối lượng tài sản lớn, chủng loại đa dạng, thời gian sử dụng của nhiều tài sản đã lâu. Thậm chí, có những tài sản được tiếp quản sau giải phóng miền Nam, đến nay không có những tài sản tương đương khi xác định giá trị doanh nghiệp.
"Kén" cổ đông chiến lược
Liên quan đến việc lựa chọn cổ đông chiến lược, ông Nguyễn Hùng Việt - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV cảng Hải Phòng cho biết, cổ đông chiến lược của cảng phải đáp ứng yêu cầu khá khắt khe. Đơn vị này phải là nhà đầu tư trong nước hoạt động trong lĩnh vực đường biển, kinh doanh thuộc lĩnh vực có hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng, kinh doanh dịch vụ logistics, quản lý và khai thác cảng biển, tài chính, ngân hàng… Cổ đông này phải có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm, tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng, đồng thời, vốn chủ sở hữu tối thiểu 700 tỷ đồng. Cùng với đó, đơn vị phải có lợi nhuận sau thuế dương trong 3 năm liên tiếp và không là nhà đầu tư chiến lược, cổ đông sáng lập, cổ đông lớn sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên tại bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng nào tại khu vực miền Bắc.
Khẳng định tại khu vực miền Bắc, cảng Hải Phòng là một trong những cảng có nhiều lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư, song Tổng thư ký Hiệp hội cảng biển VN Hồ Kim Lân cho rằng, để chọn được nhà đầu tư chiến lược đáp ứng những tiêu chí trên không phải dễ, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Mặc dù vậy, ông Lân cũng nhấn mạnh việc đầu tư vào cảng Hải Phòng chắc chắn không phải là một lựa chọn tồi. Dẫn ví dụ về cảng Đoạn Xá - cảng biển đầu tiên của cả nước chuyển đổi hoạt động theo mô hình CTCP, ông Lân cho biết, do liên tục làm ăn thua lỗ từ 2-3 tỷ đồng mỗi năm mà cảng Đoạn Xá đã phải tiến hành cổ phần hóa, nhưng chỉ một năm sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp đã liên tục có lãi, chia cổ tức bình quân trên 35%/năm.
Theo thông tin riêng của PV Báo Giao thông, đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Công thương VN (Vietinbank) cũng đang có ý định đầu tư vào cảng biển lớn nhất miền Bắc này.
Cổ phần hóa không phải để bán giá cao
Ông Vũ Anh Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ GTVT cho biết, theo kế hoạch sẽ bán 25% phần vốn Nhà nước tại cảng Hải Phòng.
Trên thực tế, không phải là không có những e ngại về khả năng thành công của cảng Hải Phòng khi đấu giá cổ phiếu ra công chúng bởi theo kế hoạch, thời gian tới nhiều nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước sẽ được đưa ra công chúng đầu tư thông qua CPH. Trong bối cảnh hiện nay, để hấp thụ hết nguồn vốn này là điều không hề dễ.
Mặc dù vậy, vẫn có không ít ý kiến cho rằng kinh tế khó khăn, thị trường ảm đạm không phải là điều kiện quyết định sự thành công của các cuộc chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng. Chính triển vọng từ nội lực của DN mới quyết định được sự thành bại của các đợt IPO. Hơn thế nữa, xét cho đến cùng, mục tiêu của CPH không chỉ đơn giản chỉ là để bán giá cao, thu về thặng dư vốn.
Nguồn Báo Giao thông vận tải