Tháng 11 tiếp tục xuất siêu tiếp 50 triệu USD
Tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,3 tỷ USD, giảm so với tháng trước nhưng tăng gần 20% so với cùng kỳ. Nhập khẩu ở mức thấp hơn, đạt 12,25 tỷ USD khiến cả nước ước tiếp tục xuất siêu 50 triệu USD trong tháng này, sau khi đã xuất siêu 100 triệu USD trong tháng trước.
Lũy kế 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 121 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn đóng vai trò chủ đạo với tổng kim ngạch đạt 81,2 tỷ USD (chiếm 67%), tăng 23%, trong khi khu vực trong nước đạt gần 40 tỷ USD và chỉ tăng hơn 3% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm điện thoại và linh kiện, gỗ, thủy sản, giày dép...
Khối FDI góp phần chủ đạo khiến Việt Nam xuất siêu. |
Với kim ngạch nhập khẩu ước 121,1 tỷ USD, cả nước ước nhập siêu 96 triệu USD từ đầu năm, song mức này chỉ bằng 0,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, cách xa giới hạn mà Quốc hội cho phép là 7%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,3 tỷ USD, khu vực vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 12,2 tỷ USD.
Trong bối cảnh thương mại cải thiện, trong nước, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tăng 5,7% so với cùng kỳ. Ngoại trừ ngành khai khoáng giảm, các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất phân phối điện vẫn tăng. Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,6%, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tỷ trọng lớn nhất) 10 tháng đầu năm cũng tăng 10,4%.
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/11/2013 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,4% so với cùng thời điểm năm 2012, đưa tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 10 tháng năm nay đạt 74%. Một số ngành có tỷ lệ tồn kho bình quân cao là sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất, chế biến thực phẩm 86,2%.
Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/11/2013 tăng 4,5% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước không biến động nhiều, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng tới 7,8%.
Tuy nhiên, nếu xét riêng chỉ số sử dụng lao động của ngành công nghiệp khai khoáng đang giảm, còn ngành chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, nước tăng.
Phương Linh
Nguồn Vnexpress.net