Tháng 10, VBMA sẽ hoàn tất đề án Trung tâm thông tin trái phiếu
Nhìn lại 4 năm vận hành thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) chuyên biệt, theo ông, cần triển khai thêm các giải pháp nào để thúc đẩy thị trường phát triển sôi động và hiệu quả hơn?
Thị trường TPCP đã có bước tăng trưởng ấn tượng về quy mô, thanh khoản; chất lượng sản phẩm giao dịch được cải thiện; hạ tầng pháp lý cũng như quy tắc thị trường dần được hoàn thiện… Tuy nhiên, thị trường vẫn còn một số hạn chế như chưa xây dựng được công cụ giúp thành viên kiểm soát giao dịch trước khi đẩy lệnh lên hệ thống. Lệnh giao dịch chỉ cần do một đại diện giao dịch thực hiện và đẩy thẳng vào hệ thống, chưa có bước kiểm soát, nên có thể gây rủi ro tác nghiệp và dẫn đến thiệt hại cho thành viên. Hệ thống chỉ kết nối với Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) theo hướng đẩy thông tin lệnh trực tiếp, chưa có sự liên kết về thông tin chứng khoán. Điều này dẫn đến rủi ro khi lệnh đặt trên hệ thống giao dịch TPCP chuyên biệt vẫn có thể được khớp, nhưng tới khi VSD kiểm tra thì thành viên không có đủ tiền/trái phiếu, nên lệnh có thể bị hủy.
Để thúc đẩy thị trường TPCP phát triển, vấn đề trọng tâm là phải xây dựng thị trường đồng bộ từ khung pháp lý cho đến các hoạt động trên thị trường sơ cấp, thứ cấp, phát triển NĐT cũng như các dịch vụ đi kèm. Theo đó, cần hoàn thiện cơ chế phát hành trái phiếu, đảm bảo tính thống nhất trong xây dựng lịch biểu phát hành và thời gian phát hành giữa các chủ thể, xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động giao dịch sản phẩm phái sinh (cơ chế bán khống, vay và cho vay chứng khoán…), sớm ban hành cơ chế hoạt động của tổ chức định mức tín nhiệm, hoàn thiện hệ thống nhà tạo lập thị trường. Tiếp tục phát triển hệ thống NĐT có tổ chức theo hướng khuyến khích hoạt động đầu tư của các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm, nhằm hỗ trợ việc huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế.
Các thành viên thị trường cần chủ động, tích cực tham gia xây dựng hạ tầng pháp lý với các cơ quan quản lý nhà nước, có các đề xuất giải pháp cụ thể, đặc biệt các vấn đề liên quan tới sản phẩm, cách thức/quy trình giao dịch…
Khi thị trường TPCP phát triển sôi động và hiệu quả hơn, theo ông sẽ có tác động hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển ra sao?
Với vị thế của mình, Chính phủ luôn được xem là người đi vay tốt nhất trên thị trường nợ bằng đồng nội tệ. TPCP luôn là công cụ nợ chuẩn để làm tham chiếu định giá các công cụ nợ khác trên thị trường nợ trong nước. Do vậy, khi thị trường TPCP phát triển sôi động, hiệu quả và quy mô hơn, tất yếu sẽ là lực đẩy quan trọng cho thị trường TPDN phát triển. Điều này được thể hiện qua các khía cạnh: tạo tiền đề để phát triển cơ sở hạ tầng cho thị trường TPDN như hành lang pháp lý, hệ thống công nghệ thông tin; đường cong lãi suất chuẩn của TPCP hình thành rõ nét hơn, có độ tin cậy cao hơn và theo đó phát huy tốt hơn vai trò tham chiếu để định giá TPDN; góp phần thu hút mạnh hơn sự quan tâm của các NĐT, nâng cao tính thanh khoản của thị trường TPDN.
Muốn thị trường TPCP hỗ trợ hiệu quả và thiết thực hơn cho sự phát triển của thị trường TPDN, cần ưu tiên triển khai những giải pháp mới nào, thưa ông?
Trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn TPCP, truyền thông kịp thời để các NĐT ngày càng tin tưởng vào sự phát triển bền vững của thị trường, tham gia đầu tư vào các trái phiếu có kỳ hạn dài hơn và chấp nhận mức lãi suất hợp lý hơn.
Thưa ông, việc xây dựng Trung tâm Thông tin TPDN đang được triển khai đến công đoạn nào? VBMA có thêm giải pháp nào để thúc đẩy thị trường TPDN phát triển trong thời gian tới?
Theo Quyết định 261/2013/QĐ-BTC của Bộ Tài chính phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020, VBMA được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất mô hình Trung tâm Thông tin TPDN. VBMA đang hoàn thiện lần cuối đề án thành lập trung tâm này, để trình Bộ Tài chính phê duyệt vào đầu tháng 10/2013. Theo kế hoạch, trong quý IV/2013, VMBA sẽ chủ động thu thập các dữ liệu lịch sử về TPDN trên thị trường, để tạo lập nền tảng dữ liệu chuẩn bị cho vận hành và quản lý Trung tâm Thông tin TPDN.
Để thúc đẩy thị trường TPDN phát triển trong thời gian tới, VBMA đang chú trọng triển khai hoạt động đào tạo nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của thị trường, thiết lập, hoàn thiện các chuẩn mực về phương thức, kỹ thuật phát hành TPDN, hướng dần đến các thông lệ và chuẩn mực quốc tế. VBMA cũng đang tích cực hỗ trợ Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định về thành lập và vận hành công ty định mức tín nhiệm tại Việt Nam.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán