Thứ Hai | 27/10/2014 21:24

Tháng 10 ước nhập siêu 400 triệu USD

Mặc dù 10 tháng qua vẫn xuất siêu 1,87 tỷ USD nhưng hoàn toàn thuộc vào khu vực FDI và chủ yếu dựa trên hàng hóa gia công lắp ráp.
Theo số liệu của Tổng cục Thông kê (GSO), kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10/2014 ước tính đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước.

Trong đó, khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (kể cả dầu thô) đạt 8,9 tỷ USD, tăng 2,8%; khu vực kinh tế trong nước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 8,2%.

Kim ngạch một số mặt hàng chiếm tỷ trọng cao có mức tăng khá: Hàng dệt may tăng 8,2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 22,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 8,4%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10/2014 tăng 5,5%, trong đó khu vực FDI (kể cả dầu thô) tăng 2,5%. Trong đó, hàng dệt, may tăng 21,3%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 15,5%; giày dép tăng 11%; cà phê tăng 72,9% về lượng và tăng 85,9% về giá trị; hạt điều tăng 21,1% và tăng 36,5%; gạo tăng 11,5% và tăng 18,4%.

Tính chung 10 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 123,1 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2013. Khu vực kinh tế trong nước đạt 40,6 tỷ USD, tăng 12,9%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 82,5 tỷ USD, tăng 13,6%.

Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện đạt 19,2 tỷ USD, tăng 6,9%; hàng dệt may đạt 17,6 tỷ USD, tăng 19,3%; giày dép đạt 8,2 tỷ USD, tăng 23,1%; thủy sản đạt 6,5 tỷ USD, tăng 20,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 5,9 tỷ USD, tăng 20,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5 tỷ USD, tăng 13,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,6 tỷ USD, tăng 9%; cà phê đạt 3,1 tỷ USD, tăng 33,9%; hạt điều đạt 1,7 tỷ USD, tăng 25,1%; sản phẩm chất dẻo đạt 1,7 tỷ USD, tăng 12,7%.

Do giá cao su xuất khẩu bình quân giảm 36% so với cùng kỳ năm trước nên kim ngạch xuất khẩu cao su đạt 1,5 tỷ USD, giảm 25,4%.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 10 tháng năm nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 23,4 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2013. Tiếp theo là EU đạt 22,6 tỷ USD, tăng 12,8%; ASEAN đạt 15,5 tỷ USD, tăng 0,5%; Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD, tăng 16,2%; Nhật Bản đạt 12,3 tỷ USD, tăng 10,9%; Hàn Quốc đạt 6,1 tỷ USD, tăng 10,9%.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 10/2014 đạt 13,6 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước, trong đó khu vực FDI đạt 8 tỷ USD, tăng 1,2%; khu vực kinh tế trong nước đạt 5,6 tỷ USD, tăng 5,5% với kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng cao: Xăng dầu tăng 54,7%; khí đốt hóa lỏng tăng 45,9%; vải tăng 13,5%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 9,1%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2014 tăng 8,8%, trong đó khu vực FDI tăng 12,1%; khu vực kinh tế trong nước tăng 4,5%.

Tính chung 10 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 121,2 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực FDI đạt 68,7 tỷ USD, tăng 10,7%; khu vực kinh tế trong nước đạt 52,5 tỷ USD, tăng 12%.

Trong 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất chiếm tỷ trọng lớn có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 18,3 tỷ USD, tăng 20,4%; vải đạt 7,7 tỷ USD, tăng 13,4%; xăng dầu đạt 6,9 tỷ USD, tăng 19,4%; sắt thép đạt 6,2 tỷ USD, tăng 10,5%; chất dẻo đạt 5,3 tỷ USD, tăng 12,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 3,9 tỷ USD, tăng 24,8%; ô tô đạt 2,8 tỷ USD, tăng 48%, trong đó ô tô nguyên chiếc đạt 1,1 tỷ USD, tăng 93%;

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 10 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 35,6 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2013, nhập siêu từ Trung Quốc ước tính đạt 23,1 tỷ USD, tăng 17,6%. Tiếp theo là ASEAN đạt 19 tỷ USD, tăng 6,6%; Hàn Quốc đạt 17,1 tỷ USD, tăng 2,7%; Nhật Bản đạt 10,3 tỷ USD, tăng 7,9%; EU đạt 7,5 tỷ USD, giảm 3,3%.

Do tháng 10 nhập siêu 400 triệu USD nên xuất siêu 10 tháng còn 1,87 tỷ USD, trong đó khu vực FDI (kể cả dầu thô) vẫn xuất siêu ở mức khá cao với 13,82 tỷ USD, khu vực trong nước tiếp tục nhập siêu với 11,95 tỷ USD.

Mặc dù 10 tháng qua vẫn xuất siêu nhưng hoàn toàn thuộc vào khu vực FDI và chủ yếu dựa trên hàng hóa gia công lắp ráp từ nguyên liệu nhập khẩu. Thực trạng này cho thấy hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa mang lại giá trị gia tăng chưa cao và thiếu bền vững.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện