Tháng 1 là thời điểm tích luỹ cổ phiếu cho mục tiêu dài hạn
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo chiến lược đầu tư tháng 1/2016, trong đó tổng kết thị trường cả năm 2015 và dự báo xu hướng tháng 1/2016.
Chứng khoán 2015
Thị trường chứng khoán Việt Nam 2015 kết thúc với VN-Index tăng khoảng 6% trong khi HNX-Index giảm 3,5%. Trung bình thanh khoản năm nay trên cả 2 sàn chỉ đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, sụt giảm 19,2% so với năm 2014 bởi dòng vốn tín dụng vào TTCK đã bị hạn chế do TT36/2014/TT-NHNN. Vốn hóa toàn thị trường ghi nhận ở mức 58 tỷ USD, tăng 14,35% so với cùng kỳ 2014. Thị trường chứng khoán năm 2015, lấy VN-Index làm đại diện đã trải qua 3 sóng tăng và 3 sóng giảm rõ ràng.
Về các chính sách định hướng phát triển cho TTCK Việt Nam trong năm qua, đáng chú ý là Nghị định 60/2015/NĐ-CP về quyết định mở room không hạn chế cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các doanh nghiệp đại chúng không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện và thông tư 203/2015/TT-BTC về hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán. Mặc dù còn một số hạn chế nhưng những chính sách như vậy có thể giúp cho thị trường Việt Nam tiến một bước dài hơn trong việc được xét nâng hạng lên thị trường mới nổi theo các tiêu chí của MSCI.
Năm 2015, thị trường chứng khoán chịu nhiều tác động từ bên ngoài, cụ thể 2 yếu tố tác động mạnh nhất là sự sụt giảm của giá dầu và biến động mạnh của tỷ giá. Nhà đầu tư nước ngoài cũng với những động thái bán ròng mạnh vào tháng 3, tháng 8 và tháng 12 cũng gây áp lực tâm lý lên nhà đầu tư trong nước. Đây là hoạt động cơ cấu vốn của thị trường tài chính toàn cầu chứ không riêng gì tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, theo VDSC, so với các thị trường trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tỏ ra hấp dẫn hơn các thị trường khác trong khu vực thể hiện qua (1) mức P/E của thị trường năm 2015 ở mức 11,8x, thấp hơn rất nhiều so với mức 16x của các thị trường chứng khoán trong khu vực, (2) thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường duy nhất ghi nhận chỉ số Sharp dương và (3) là số ít thị trường hút ròng dòng vốn đầu tư gián tiếp.
Xét riêng dòng vốn đầu tư vào cổ phiếu, năm 2015 nhà đầu tư nước ngoài đã rót ròng khoảng 3.000 tỷ đồng vào thị trường, sụt giảm khoảng 5,5% so với năm 2014. Dòng vốn ngoại mang tính chất khá chọn lọc, tập trung ở 3 nhóm chính là nhóm ngân hàng (khoảng 3.100 tỷ đồng), nhóm dịch vụ tài chính (khoảng 1.900 tỷ đồng) và nhóm xây dựng, vật liệu xây dựng (khoảng 1.000 tỷ đồng).
Xét về 2 quỹ ETF, giao dịch của 2 quỹ này cũng gây khá nhiều bất ngờ cho nhà đầu tư từ việc “mua nhầm” BID, không thêm HHS vào rổ (mặc dù các CTCK Việt Nam đều dự báo HHS đầy đủ tiêu chuẩn thêm vào rổ FTSE ETF). Ngoài ra, một điểm khá thú vị nữa đó là trong kỳ review cuối năm 2015, VNM ETF đã nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ từ 77,5% lên 82%.
Đánh giá chung, tỷ lệ tham gia của dòng vốn ngoại vẫn duy trì ở mức 8-15%/phiên và dòng tiền cũng khá chọn lọc, mang tính tập trung cao ở vài nhóm ngành, thậm chí vài nhóm cổ phiếu. Theo thống kê của VDSC, có khoảng 94% số doanh nghiệp trên sàn vẫn còn hở room nhưng chỉ có 10% trong số này hiện đang trong tình trạng full room.
Dự báo thị trường tháng 1/2016
Theo VDSC, tháng Một là giai đoạn mà thị trường sẽ có sự phân hoá rõ giữa các cổ phiếu có yếu tố cơ bản hỗ trợ và những cổ phiếu có triển vọng kinh doanh chưa rõ ràng. Hay nói cách khác, những cổ phiếu đang trong xu hướng tăng sẽ tiếp tục tăng giá và bứt khỏi mặt bằng chung. Do vậy, VDSC tin rằng chọn lọc cổ phiếu trong giai đoạn này vẫn quan trọng hơn là dự báo xu thế thị trường.
Diễn biến của thị trường trong tháng 1 được dự báo vẫn tiếp tục nằm trong xu hướng chung của các tháng trước với các chỉ số vẫn vận động chậm trong biên độ dao động hẹp và tần suất đảo chiều cao. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong trung hạn. Tuy nhiên, VDSC tin rằng tháng 1 vẫn là khoảng thời gian phù hợp để tích luỹ cổ phiếu cho mục tiêu đầu tư dài hạn. Trong đó, danh mục đầu tư khuyến nghị cho năm 2016 sẽ bao gồm (1) cổ phiếu doanh nghiệp có vị thế lớn, (2) cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và (3) cổ phiếu thuộc những nhóm ngành được đánh giá tích cực trong năm tới.
Trong đó, với yêu cầu chuẩn bị về cơ sở hạ tầng cho tăng trưởng kinh tế và thu hút FDI sau khi có TPP và các FTA, ngành xây dựng là một trong những ngành được hưởng lợi đầu tiên. Và thực tế, ngành này đã ghi nhận tăng trưởng kết quả kinh doanh ấn tượng trong 9 tháng 2015. Với số lượng dự án giao thông, công nghiệp và bất động sản đang tăng nhanh, VDSC vẫn lạc quan triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng năm 2016.
Trong quá trình hội nhập sau khi ký kết các hiệp định thương mại, nhóm ngành logistics, vận tải, cảng biển cũng sẽ được hưởng lợi, trước tiên từ nhu cầu nhập khẩu máy móc, nguyen vật liệu phục vụ sản xuất và sau đó là sự tăng trưởng về sản lượng hàng hoá xuất khẩu. Một khi nền sản xuất công nghiệp bắt được đà tăng trưởng ổn định, những lĩnh vực mang tính hỗ trợ cho hoạt động sản xuất như công nghệ, điện nước và công nghiệp phụ trợ là những ngành có triển vọng kinh doanh tích cực.
VDSC dự báo vùng điểm trong tháng 1 đối với VN-Index là 555-580 điểm và HNX-Index là 78-80 điểm.
Minh Quân