Thận trọng với việc tăng biên độ
Nới biên độ: Dao hai lưỡi
Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới công ty chứng khoán MHBS nhận xét, các nhà đầu tư bám sàn vui mừng với quy định này, vì giá cổ phiếu dao động với bước nhảy lớn trở nên hấp dẫn hơn. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn cao nhất hiện nay cũng chỉ nhỉnh hơn 10%/năm, trong khi đó, trong các phiên cổ phiếu biến động mạnh từ giá sàn lên giá trần, về lý thuyết, nhà đầu tư có thể đạt lợi nhuận 20%/phiên tại HNX và 14%/phiên tại HSX. Biên độ tăng khi thị trường tăng thì nhà đầu tư dễ kiếm được lợi nhuận lớn. Bên cạnh đó, khối công ty chứng khoán cũng được hưởng lợi vì khách hàng giao dịch nhiều, công ty thu được phí giao dịch, phí margin…
Tuy nhiên, ông Lân cũng nhìn nhận, nới biên độ mà thiếu các chế tài quản lý đủ mạnh thì thị trường chứng khoán có thể biến thành một sòng bài bị thao túng bởi các “đội lái”. Việc mở biên độ và ngăn chặn rủi ro là hai việc cần tiến hành song song.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới công ty chứng khoán Bản Việt nhận định, việc nới rộng biên độ trên cả hai sàn nhằm tạo sức hấp dẫn lớn hơn cho chứng khoán, qua đó thu hút thêm nhà đầu tư. Tuy nhiên, với quyết định của cơ quan quản lý nới trần tỷ lệ ký quỹ lên 50% từ đầu tháng 2/2013, một số công ty chứng khoán cho phép khách hàng sử dụng đòn bẩy tài chính cao, nhưng quản trị rủi ro không tốt có thể đối diện với rủi ro lớn tại các thời điểm thị trường chứng khoán biến động mạnh.
Ở góc độ chuyên gia chứng khoán độc lập, ông Phạm Kinh Luân cho rằng, một loạt biện pháp cải cách từ cơ quan quản lý thị trường trong suốt năm 2012 và mới nhất là nới biên độ dao động giá, đều hướng đến mục đích chính là tạo thanh khoản cho thị trường, cải thiện dòng tiền vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, các giao dịch trên thị trường thứ cấp về bản chất chỉ là các giao dịch mà tiền chạy từ túi nhà đầu tư này sang nhà đầu tư khác, vì thế bình thường đã tồn tại các rủi ro. Về lý thuyết, giá cổ phiếu xoay quanh một trục là sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Với các biện pháp tăng cường thanh khoản cho thị trường, trong đó, có việc nới biên độ, khiến biên độ giá chuyển động quanh trục này rộng hơn, khuyếch đại các rủi ro.
Về bản chất, trên thị trường chứng khoán không thể thiếu các hoạt động lướt sóng, vì nó làm cho thị trường sôi động. Nhưng khi thị trường diễn ra các bước nhảy lớn thì bao giờ cũng bao hàm các yếu tố rủi ro lớn. “thị trường chứng khoán như một cỗ xe, khi đã được gia cố các bộ phận để có thể tăng ga chạy nhanh hơn, thì cũng nên chú ý đến bộ phận giảm tốc để cỗ xe đó di chuyển an toàn”, ông Luân ví von.
Thay đổi biên độ: Diễn biến khó lường
Theo các số liệu thống kê từ website của UBCK, việc nới biên độ từ ngày 15/1/2013 là đợt thay đổi biên độ thứ 10 tại thị trường chứng khoán Việt Nam trong 13 năm qua. Trong ký ức nhiều nhà đầu tư vẫn còn nhớ rõ về các đợt thay đổi biên độ gần nhất diễn ra trong năm 2008. Để ngăn đà suy giảm của chứng khoán cuối tháng 3/2008, UBCK đã sử dụng biện pháp hành chính thắt chặt biên độ tại HSX và HNX từ mức ±5% và ±10% xuống còn ±1% và ± 2%.
Chính điều này đã bóp nghẹt thanh khoản của thị trường và nhận được vô số ý kiến phản đối từ các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân. Trước áp lực thị trường, 10 ngày sau đó, biên độ được nới lỏng thận trọng lên mức ±2% với HSX và ±3% với HNX. thị trường chứng khoán đã có một bẫy tăng giá ngoạn mục trước khi quay đầu giảm tiếp tới hơn một tháng rưỡi sau đó.
Sau đó điều chỉnh biên độ được UBCK thận trọng làm hai đợt sau khi chứng khoán đã giảm rất sâu. Đợt nới thứ nhất vào giữa mùa hè, khiến các chỉ số chứng khoán phục hồi mạnh mẽ trong vài tháng. Nhưng đợt nới biên độ đầu mùa thu năm 2008 chỉ giúp thị trường chứng khoán tăng điểm ngắn hạn rồi điều chỉnh mạnh tới tháng 2/2009.
|
Nguồn Đầu tư chứng khoán